Báo cáo nghiên cứu khả thi Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory (Nhơn Hội, Bình Định) đã chính thức được thông qua
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn ngay sau khi bước ra khỏi phòng họp của Hội đồng Thẩm định Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory, ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, cả 16 thành viên của Hội đồng Thẩm định đã bỏ phiếu thông qua Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Dự án.
“Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành chức năng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung Dự án vào Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và hướng đến năm 2025”, ông Dũng nói.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tỉnh sẽ sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư để nhà đầu tư triển khai Dự án đúng tiến độ. Theo kế hoạch, Dự án Lọc hóa dầu Victory sẽ được khởi công xây dựng vào quý I/2017 để có sản phẩm đầu tiên vào quý I/2021.
Dự án Lọc hóa dầu Victory, ban đầu có tên Lọc hóa dầu Bình Định, được Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất cách đây khoảng 3 năm, với quy mô lên tới 27 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tháng 9/2014, khi chính thức nộp Báo cáo Nghiên cứu khả thi tới Bộ Công thương, Dự án đã được đổi tên, đồng thời có thêm một đối tác mới. Đó là Công ty Dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia, một doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Cùng với việc đổi tên, thêm đối tác, thì quy mô Dự án cũng được điều chỉnh còn 22 tỷ USD, với công suất 400.000 thùng dầu/ngày.
“Sự có mặt của Aramco đã tăng thêm tính khả thi cho Dự án”, ông Dũng nói và bày tỏ sự vui mừng khi Dự án Lọc hóa dầu Victory được Hội đồng Thẩm định thông qua, đặc biệt, trong 16 thành viên có cả đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
“Dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội cho Bình Định nói riêng, cả nước nói chung”, ông Dũng nói và cho biết, theo tính toán, khi đi vào hoạt động, Lọc hóa dầu Victory sẽ giúp GDP cả nước tăng thêm 3 - 4% và GDP của Bình Định tăng thêm 30 - 40%.
“Tất nhiên, Bình Định sẽ là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất, trong giải quyết việc làm, thu ngân sách, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài..., nhưng nếu dự án này được triển khai, cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đang trở nên cạnh tranh hơn”, ông Dũng nói.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi Dự án Lọc hóa dầu Bình Định được PTT đề xuất, không ít ý kiến đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với dự án này, bởi quy mô vốn đầu tư quá lớn, chưa kể hàng loạt vấn đề liên quan đến cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Dũng, cả hai nút thắt quan trọng này đã được tháo gỡ.
Về vốn, theo phương án của Báo cáo Nghiên cứu khả thi, PTT và Aramco, mỗi bên đóng góp 40%, phần còn lại sẽ huy động từ các đối tác chiến lược khác trong nước, nhằm lo khâu phân phối, tiêu thụ ở thị trường trong nước.
“Mọi việc đàm phán còn chưa ngã ngũ, nên chưa thể công bố danh tính chính thức. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không có nhà đầu tư trong nước tham gia, thì PTT và Aramco vẫn triển khai Dự án”, ông Dũng nói cho cho biết, theo phương án huy động vốn, 40% vốn của Dự án sẽ do hai nhà đầu tư đóng góp, 60% còn lại là vốn vay thương mại.
Trong khi đó, về vấn đề cung - cầu thị trường, nhà đầu tư đã cam kết, Aramco và một công ty con của PTT sẽ chịu trách nhiệm cung ứng 80% nguồn dầu thô, 20% còn lại mua từ thị trường giao ngay. “Họ cũng đã cam kết không cạnh tranh với các dự án hiện có ở Việt Nam về việc tiêu thụ dầu ở thị trường nội địa, mà chỉ cung ứng phần thiếu hụt của thị trường. Phần còn lại, họ sẽ xuất khẩu sang các thị trường như Indonesia, Australia, Philippines…”, ông Dũng nói.
Chia sẻ một cách thẳng thắn, ông Dũng cho biết, khi PTT đề xuất Dự án, ngay cả Bình Định cũng nghi ngờ. Nhưng sau một thời gian, thấy nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi, thực hiện việc nghiên cứu đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc, đặc biệt là sau sự xuất hiện của nhà đầu tư Aramco, Bình Định càng tin tưởng vào khả năng triển khai của Dự án.
Hiện tại, theo ông Dũng, mọi điều kiện chuẩn bị cho việc triển khai Dự án đã sẵn sàng. Mặt bằng đã gần như có sẵn 100%, các vấn đề điện, nước, thậm chí cả cảng nước sâu, đào tạo nguồn nhân lực… cũng đã được Bình Định và các đối tác thảo luận và tìm phương án giải quyết.
Mới đây, hai công ty của Thái Lan là Ratchaburi Electricity Generating Limited (Thái Lan) và Công ty TNHH Phát triển năng lượng KST (liên doanh Việt Nam - Thái Lan) cũng đã tới Bình Định để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory.
Dù cánh cửa đầu tiên đã mở, song đó mới chỉ là bước đi ban đầu. Điều quan trọng, theo ông Dũng, nếu được Chính phủ thông qua, Bình Định và chủ đầu tư phải tích cực phối hợp để đẩy nhanh các bước đi tiếp theo của Dự án, từ cấp giấy chứng nhận đầu tư, thiết kế kỹ thuật tổng thể, thiết kế chi tiết, mua sắm, xây dựng… để Dự án được triển khai đúng cam kết.
Nếu Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory được triển khai, miền Trung Việt Nam sẽ thực sự trở thành “cứ điểm sản xuất” của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, với các dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), vốn đầu tư gần 10 tỷ USD; Lọc dầu Dung Quất, đang lên kế hoạch mở rộng, với sự tham gia của Gazprom Neft (Nga); Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD, vừa được khởi công xây dựng.
Thăm Dự án Lọc dầu Vũng Rô mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đánh giá cao vai trò của Dự án đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Phú Yên, đồng thời yêu cầu tỉnh Phú Yên tích cực hỗ trợ để Dự án triển khai đúng tiến độ.