Buổi lễ đã được UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại hội trường Bộ Công thương với sự có mặt của các quan chức cao nhất địa phương, Bộ trưởng Bộ Công thương, nhà đầu tư, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Cũng trong buổi lễ, siêu dự án đã có tên gọi chính thức là Dự án Tổ hợp Lọc - Hóa dầu Victory, đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định).
Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT), nhà đầu tư khởi xướng dự án đã tiến hành kêu gọi đầu tư và ký được thỏa thuận với Công ty Dầu khí Saudi Aramco của Ảrập Xêút để cùng tham gia phát triển dự án.
Các thông tin được công bố cũng cho hay, PTT đã chọn Công ty McKinsey làm tư vấn quản lý chiến lược dự án; Foster Wheeler tư vấn về kỹ thuật, phác thảo sơ bộ thiết kế nhà máy, Công ty IHS với nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới về lĩnh vực lọc, hóa dầu tư vấn về thương mại, nguồn dầu thô đầu vào, sản phẩm đầu ra.
Chủ đầu tư cũng nhắc tới quy mô siêu Dự án Tổ hợp Lọc - Hóa dầu Victory ở mức 22 tỷ USD với công suất 400.000 thùng dầu/ngày. So với quy mô ban đầu được PTT đưa ra hồi năm 2012 là 26,9 tỷ USD và 660.000 thùng dầu/ngày (tương đương 30 triệu tấn/năm), thì siêu dự án đã có sự hạ nhiệt đáng kể.
Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đến nay, địa phương đã cơ bản giải phóng mặt bằng và đảm bảo giao ngay được mặt bằng sạch cho Dự án. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công thương sớm xem xét, thẩm định và trình Chính phủ bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ đồng tình nhiều ưu đãi lớn cho Dự án Tổ hợp Lọc - Hóa dầu đặt tại Bình Định do PTT đề xuất. Bộ này cũng đồng ý chủ trương điều chỉnh, bổ sung Dự án vào Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
Trước đó (tháng 4/2014), tại Công văn 4208/BTC-NSNN, Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị cho phép Dự án Lọc dầu Nhơn Hội được ưu đãi tương tự các dự án lọc dầu đã và đang triển khai tại Việt Nam là không phù hợp, bởi Dự án Lọc dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nằm trong quy hoạch được nghiên cứu triển khai từ khá lâu. Trên cơ sở cung - cầu về các sản phẩm lọc hóa dầu, gắn liền với chiến lược đảm bảo an toàn an ninh năng lượng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng một số chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, như chính sách thuế, đất đai, bảo hộ thị trường, hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, với Dự án Lọc dầu Nhơn Hội, các nội dung phân tích về công nghệ sử dụng, dự kiến nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, phương án tài chính, hiệu quả kinh tế chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Bình Định giải trình lại về cơ chế ưu đãi đầu tư, thì Bộ Tài chính đã đồng ý cho hưởng ưu đãi như các dự án lọc dầu đã và đang triển khai ở Việt Nam và nếu trường hợp dự án triển khai thực hiện theo đúng cam kết với quy mô đầu tư 25 - 30 tỷ USD, sử dụng công nghệ cao, hoặc đặc biệt thu hút đầu tư, thì thống nhất với đề nghị của tỉnh Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm.
Liên quan đến sự có mặt của nhà đầu tư mới là Saudi Aramco trong Dự án Tổ hợp Lọc - Hóa dầu Victory, nguồn tin của Báo Đầu tư cũng được biết rằng, tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu thế giới này đã từng bày tỏ mối quan tâm tới Dự án Nhà máy lọc dầu số 3 được giao cho PVN đầu tư tại khu vực Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Dẫu vậy, Dự án Nhà máy lọc dầu số 3 này cũng đã được PVN đề nghị lùi thời gian hoàn thành sang sau năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Minh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho hay, ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động, nếu Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (công suất 10 triệu tấn/năm, tương đương 200.000 thùng dầu/ngày) và Dự án Lọc dầu Vũng Rô (công suất 8 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, thì cũng đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước đến năm 2030.