Ngày 18/8, hơn 5,2 triệu quyền mua cổ phần phát hành thêm của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) tại CTCP May - Diêm Sài Gòn (SGM) trong đợt tăng vốn từ 16 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng của SGM sẽ được thực hiện bán đấu giá với giá khởi điểm 7.500 đồng/quyền mua (1 quyền mua được mua 1 cổ phần mới phát hành giá 10.000 đồng/CP). Mặc dù đánh giá SGM là DN có tiềm năng tăng trưởng tốt, nhưng Vinapaco không tiếp tục đầu tư vào DN này. Theo Vinapaco, do yêu cầu cần tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất trọng điểm và cơ cấu lại danh mục đầu tư theo chủ trương của Vinapaco tại các DN mà Tổng công ty không cần nắm giữ cổ phần, nên Vinapaco buộc phải giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại SGM. Do SGM được đánh giá là DN tiềm năng nên việc bán quyền mua với giá khá cao (7.500 đồng/quyền mua) của Vinapaco được dự báo là sẽ thành công.
Cũng đấu giá quyền mua cổ phần, nhưng mức giá khởi điểm mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đưa ra trong đợt tăng vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam chỉ là 100 đồng/quyền mua. Với số lượng đấu giá lên đến trên 25 triệu quyền mua trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đang rất thấp, rất ít yếu tố đảm bảo thành công cho cuộc đấu giá này.
Theo tin từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), mới đây, các phòng, ban chức năng của tập đoàn này đã đề xuất thực hiện việc thoái vốn toàn bộ hoặc một phần ở một số DN mà Tập đoàn có góp vốn trong giai đoạn 2011 - 2012. Cụ thể, các đơn vị được đề xuất thoái vốn toàn bộ gồm: CTCP Cảng Hà Tĩnh (góp 36%), CTCP Phát triển khu kinh tế Hải Hà (góp 10%), CTCP Wonlfram Đăk Nông (góp 29%), CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV (góp 7%), CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành (8%), CTCP Bảo hiểm hàng không (10%), Quỹ đầu tư Việt Nam (5%)…
Phần vốn góp của Vinacomin ở CTCP Sắt Thạch Khê cũng được đề nghị thoái đầu tư nếu như sắp tới Tập đoàn không nắm được cổ phần chi phối từ 51% trở lên (hiện nay là 30%). Ngoài ra, Vinacomin cũng được đề nghị tái cơ cấu vốn đầu tư ở một số đơn vị mà Tập đoàn hiện có góp vốn như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCP Chứng khoán SHS, CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin. Tất nhiên, việc có quyết định thoái vốn hay không còn phải do Hội đồng thành viên của Vinacomin xem xét, quyết định.
Hiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tham gia góp vốn vào hai CTCK là CTCK Cao su và CTCK SHS. Ông Lê Quang Thung, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư ra ngoài ngành của Tập đoàn hiện dưới 20%. Trước khi tham gia góp vốn, khoản đầu tư vào Ngân hàng SHB đã được Thủ tướng cho phép và Tập đoàn xác định đây là đầu tư dài hạn, nên việc biến động giá cổ phiếu SHB không ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của VRG. Hiện Tập đoàn đang nắm 15% vốn tại SHB. Trong khi đó, vốn góp vào CTCK Cao su hiện chỉ còn vài tỷ đồng do Tập đoàn đã chuyển nhượng cho các đối khác. Đối với 15% vốn góp vào SHS (SHS có vốn 1.000 tỷ đồng), VRG sở hữu rất ít (hơn 10 tỷ đồng), lượng cổ phần còn lại đã phân phối cho cán bộ, nhân viên trong Tập đoàn.
"Những khoản đầu tư vào ngân hàng chúng tôi xác định là đầu tư dài hạn, trong khi vốn góp tại các CTCP khác vẫn phát huy hiệu quả, mức cổ tức chi trả cao, nên có thể nói, đầu tư ra ngoài ngành với tỷ lệ dưới 20% của VRG là khá an toàn", ông Thung nói.
Việc TTCK suy giảm tác động mạnh mẽ đến hiệu quả đầu tư của các tập đoàn ra bên ngoài. Hiện nhiều mã cổ phiếu được nhiều tập đoàn có vốn nhà nước tham gia góp vốn đã xuống dưới mệnh giá (POT 6.600 đồng/CP, TST 8.000 đồng/CP, SHS 3.500 đồng/CP, PTI 9.900 đồng/CP), nên nếu thoái vốn, các tập đoàn sẽ bị lỗ nặng, đồng thời tạo áp lực nguồn cung rất lớn lên thị trường. Do đó, các đơn vị này có thể phải đứng trước sự lựa chọn rất khó khăn: không tuân thủ quy định sắp được ban hành hay thoái vốn với giá rẻ và thừa nhận "sai lầm" khi đầu tư ra ngoài ngành? Việc siết chặt kỷ cương đầu tư ra ngoài ngành với yêu cầu giảm tỷ lệ đầu tư là cần thiết, nhưng có hiệu lực ở thời điểm nào rất cần được Bộ Tài chính cân nhắc.