Cho vay tiêu dùng, bất động sản và giao thông đang được các ngân hàng siết lại.

Cho vay tiêu dùng, bất động sản và giao thông đang được các ngân hàng siết lại.

Siết tín dụng “nhạy cảm”

Cho vay tiêu dùng hay tín dụng giao thông, bất động sản… tới đây sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc cho vay vượt hạn mức cũng sẽ bị hạn chế.

Không cấm, nhưng quản chặt

Một số chủ đầu tư dự án BOT giao thông gần đây đã rất bức xúc vì ngân hàng đột ngột cắt tín dụng, dù đã trước đó đã cam kết giải ngân, khiến dự án đình trệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có dư nợ cao với các dự án BOT, BT cho hay, ngân hàng cũng đang chịu sức ép không nhỏ. 

“Ngân hàng đã đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nên việc dự án ngưng trệ chẳng mang lại lợi lộc gì cho ngân hàng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án BOT, BT đã không thực hiện đúng tiến độ, khả năng thu hồi vốn theo phương án ban đầu ngày một xa vời khiến việc rót thêm vốn trở nên rủi ro.

Chưa kể, chúng tôi cũng chịu áp lực rất lớn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục ra văn bản nhắc nhở về cho vay lĩnh vực này, nếu không thận trọng sẽ bị thanh tra, xử phạt”,  vị Phó tổng giám đốc trên nói.

Về phía NHNN cũng vừa có công văn  nhắc nhở các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo an toàn hoạt động.

Đây cũng là lời cảnh báo của NHNN với các tổ chức tín dụng về việc cho vay những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, giao thông, chứng khoán, tiêu dùng.

Hiện tổng dư nợ cho vay các dự án BOT, BT khá thấp, nhưng lại tập trung vào một số ít ngân hàng. Nợ xấu trong lĩnh vực này chưa đến 0,1%, song hầu hết các khoản vay BOT đều có thời hạn 15-20 năm nên nợ xấu thực vẫn như quả bom nổ chậm, nhất là khi vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư quá mỏng, hàng loạt dự án chậm tiến độ và đang “vỡ” phương án thu phí.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN khẳng định, NHNN không có chủ trương dừng cho vay lĩnh vực giao thông hay bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, cơ quan này yêu cầu NHTM phải lựa chọn các dự án minh bạch, hiệu quả.

“Đối với các dự án BT, BOT, các nhà thầu phải chứng minh năng lực tài chính, phương án khả thi đảm bảo khả năng thu hồi vốn đúng tiến độ. Nếu các dự án này đáp ứng yêu cầu, có hiệu quả cao, ngân hàng sẵn sàng cho vay”, ông Hùng khẳng định.

Không chỉ giao thông, các doanh nghiệp bất động sản cũng than phiền tín dụng khó tiếp cận và lãi vay trở nên đắt đỏ hơn. Để đảm bảo an toàn, các ngân hàng đang có xu hướng chuyển hướng sang cho vay người tiêu dùng thay vì ký hợp đồng với chủ đầu tư các dự án.

Việc NHNN giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo lộ trình cũng khiến ngân hàng hạn chế bớt cho vay lĩnh vực này.

Tương tự, với lĩnh vực tăng trưởng “nóng” khác thời gian gần đây là tín dụng tiêu dùng, tốc độ cho vay tới đây cũng sẽ bị hạ nhiệt.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, NHNN đang định hướng giảm dần tăng trưởng của lĩnh vực này xuống mức 20% (những năm gần đây luôn tăng trưởng trên 30%).

Dù tín dụng tiêu dùng phải tăng trưởng cao mới hợp lý với xu hướng, song việc tăng trưởng quá nóng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả ngân hàng lẫn người đi vay như đã từng xảy ra tại Hàn Quốc. Do vậy, việc NHNN kiểm soát tín dụng tiêu tăng trưởng dùng ở mức 20-25%/năm được nhiều chuyên gia coi là phù hợp.

Sẽ hết cho vay vượt hạn mức

Tính đến tháng 7/2018, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng khoảng 7% và khả năng cả năm tín dụng chỉ tăng 15%, thấp hơn khá nhiều so với năm 2017.

Nhưng đây chỉ là nửa lý do khiến doanh nghiệp khu vực như giao thông, bất động sản… than khó tiếp cận vốn. Một nửa lý do còn lại là sự chuyển hướng của bản thân các ngân hàng thương mại.

Nếu như trước đây, thu nhập của ngân hàng hầu như phụ thuộc vào tín dụng thì nay tỷ lệ thu ngoài lãi của nhiều ngân hàng đã lên tới 40%. Hơn nữa, dưới sức ép của NHNN, khẩu vị rủi ro của các ngân hàng cũng không còn dễ dãi như trước.

Đây cũng là lý do hàng loạt ngân hàng chuyển đổi mạnh cơ cấu cho vay theo hướng tăng cho vay ngắn hạn (đặc biệt là cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ), giảm cho vay trung, dài hạn để kiểm soát rủi ro.

Bên cạnh đó, vốn tự có nhỏ bé của các ngân hàng cũng là một lý do các dự án giao thông, bất động sản khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn trước.

Theo quy định hiện hành, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của một ngân hàng. Trước đây, rất nhiều dự án lớn đã được NHNN trình Chính phủ cho phép vay vượt hạn mức.

Tuy vậy, sắp tới cơ quan này có thể sẽ không đề nghị Chính phủ cho vay vượt hạn mức nữa. Thay vào đó, với các dự án lớn, NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM tăng cường đồng tài trợ.

Theo các chuyên gia, việc cho vay đồng tài trợ với các dự án lớn (đặc biệt là các dự án BOT, BT, các dự án bất động sản) sẽ  đảm bảo an toàn bởi có nhiều bên thẩm định và giúp chia sẻ rủi ro. Tuy vậy, nhược điểm là khi cho vay đồng tài trợ, việc giải ngân cho doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hơn.

Tin bài liên quan