Siết tín dụng, nhà băng “đua” bảo hiểm

Siết tín dụng, nhà băng “đua” bảo hiểm

(ĐTCK) Khi tăng trưởng tín dụng bị “siết” và nguy cơ rủi ro tăng lên, dịch vụ bảo hiểm kết hợp ngân hàng (bancassurance) của các doanh nghiệp bảo hiểm đã được nhiều ngân hàng đón nhận.

Thậm chí, các ngân hàng coi đây là hướng đi mới của mình, trong đó không ít ngân hàng còn thành lập công ty bảo hiểm trực thuộc.

Siết tín dụng, nhà băng “đua” bảo hiểm ảnh 1

Thực tế, không ít ngân hàng đã thành lập công ty bảo hiểm, nhằm mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các dịch vụ tài chính, hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng kết hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm cùng phát triển các dịch vụ chung giữa hai bên, đem đến cho khách hàng những giá trị gia tăng lớn hơn.

Đến nay, thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc “se duyên” lớn giữa các nhà băng và bảo hiểm. Đáng kể trong số đó là việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thành lập công ty bảo hiểm BIC; HSBC, Techcombank liên kết với Bảo Việt; Agribank liên kết với ABIC; MBbank liên kết với MIC; Vietibank thành lập công ty bảo hiểm con là Bảo Ngân và liên doanh với Tập đoàn Aviva (Anh) thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva.

Mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng của hướng phát triển các dịch vụ mới, nhưng không nhiều ngân hàng triển khai thành công bancassurance. Trong các hình thức hợp tác, hầu hết nhà băng mới dừng ở mức giới thiệu khách hàng cho các công ty bảo hiểm, thực hiện thu phí hộ…, chứ ít đơn vị bán sản phẩm trực tiếp hoặc tung ra các sản phẩm hỗn hợp ngân hàng - bảo hiểm.

Trên thị trường, BIDV, HSBC và Techcombank là những đơn vị đi đầu trong việc cung cấp các gói sản phẩm hỗn hợp bancassurance. Tuy nhiên, ngoài BIDV thì Agribank và Vietinbank đang là những đơn vị có những đầu tư chiến lược cho bảo hiểm sau khi tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, trong năm 2012 sẽ chú trọng triển khai bancassurane nhằm tăng cường nguồn thu từ dịch vụ này. Phó tổng giám đốc BIDV Phạm Quang Tùng cho biết, BIDV có định hướng chiến lược trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm - ngân hàng, nhằm đem tới cho khách hàng nhiều lợi ích khi sử dụng dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc phát triển các dịch vụ tài chính nói chung trong tình hình hiện nay (gồm cả bancassurance) là không dễ dàng, nếu không đầu tư đủ mức và quyết liệt.

Mặc dù vậy, tin từ Tổng công ty Bảo hiểm BIDV, năm 2011, doanh thu từ các dịch vụ bancassurance của Công ty tăng trên 50% so với năm 2010. Trong khi đó, dịch vụ tương tự của Bảo Việt đạt mức tăng trưởng tới 200%.

Một lãnh đạo thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận xét, BIDV có lợi thế lớn là tích hợp và chia sẻ tốt về cơ sở dữ liệu, khách hàng, đào tạo với công ty bảo hiểm con là BIC. Còn Bảo Việt có cổ đông chiến lược là HSBC - một đơn vị hàng đầu về dịch vụ tài chính trên thế giới (trong đó có bảo hiểm), nên việc phát triển các sản phẩm liên kết không chỉ với ngân hàng thân hữu, mà còn với nhiều tổ chức tín dụng khác.

“Doanh thu từ bancassurance của BIDV - BIC vẫn đứng đầu thị trường, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và phải dè chừng với các ngân hàng và công ty bảo hiểm khác, bởi họ đang rất nỗ lực khi mà tín dụng bị siết và nguy cơ rủi ro lớn hơn trước”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, việc ngân hàng tham gia tích hợp bán sản phẩm bảo hiểm sẽ giúp các nhà băng được hưởng phí hoa hồng, tăng doanh thu và có cơ hội bán chéo sản phẩm. Bên cạnh đó là lợi ích từ việc mở rộng danh sách khách hàng và tăng uy tín, quảng bá thương hiệu.

Đối với các ngân hàng, khoảng 70 - 80% hoạt động liên quan đến tín dụng, cho vay. Do đó, ông Lim Eng Hong, Phó tổng giám đốc Enrst & Young tại Singapore, kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro dịch vụ tài chính cho rằng, các ngân hàng nhỏ và vừa tại Việt Nam nên tìm cách giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng cách chuyển sang các thị trường ngách, chú trọng vào phát triển những sản phẩm, dịch vụ tiện ích như bảo hiểm.

Đồng quan điểm này, giám đốc một NHTMCP vừa được Ngân hàng Nhà nước xếp hạng tăng trưởng tín dụng ở nhóm 2 (tăng trưởng 15%) nhận xét, việc ngân hàng tham gia “cuộc đua bảo hiểm” cũng là một trong những phương cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng. “Đây còn là kênh có hiệu suất lợi nhuận cao nên chúng tôi sẽ tăng cường triển khai các sản phẩm bancassurance”, vị giám đốc này chia sẻ.

Ông Quách Thành Nam, Trưởng phòng Bancassurance - Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt nhận định, khi tín dụng bị thắt chặt là cơ hội cho dịch vụ bancassurance tại các ngân hàng phát triển. Ngân hàng sẽ tự tìm đến các sản phẩm bảo hiểm như một giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh dịch vụ thu phí, bù đắp cho nguồn thu từ tín dụng và đa dạng hóa sản phẩm ngân hàng.