Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 13 với chủ đề: "Cổ đất” sau giai đoạn tiền dễ, tiền rẻ do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 21/7, các diễn giả đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phùng Quang Hải, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã KHG) nhìn nhận, giai đoạn siết chặt tín dụng năm 2017, vấn đề room tín dụng đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức cầu thị trường, đó là câu chuyện phân khúc và giá bán. Tổ chức tín dụng đã xem xét rất kỹ các dự án có giá trị thực hay không, nếu dự án có giá trị thực thì không lo thiếu tiền và không khó tiếp cận nguồn vốn.
Còn ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (mã DXS) cho rằng, so với trước đây, các doanh nghiệp bất động sản đã trưởng thành hơn rất nhiều cả về quy mô và quản trị, các kênh huy động vốn hiện nay cũng rất đa dạng như: vay ngân hàng, từ bán theo tiến độ cho khách hàng, từ nguồn vốn nước ngoài,…
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nguồn vốn chỉ là một phần của thị trường bất động sản, cái quan trọng nhất là chênh lệch cung - cầu, sự thiếu nguồn cung của thị trường mới là cốt lõi không chỉ đơn vị phát triển bất động sản mà Chính phủ cũng cần tham gia để giải quyết nút thắt này”, ông Khôi nói.
Hơn nữa, tình trạng này các doanh nghiệp đã gặp và kéo dài suốt 5 năm qua, đặc biệt ở khu vực TP.HCM khiến giá bất động sản tăng cao. Vì vậy, đại diện DXS kiến nghị cần tập trung để hỗ trợ gia tăng nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung phân khúc ở thực của khách hàng.
Theo quan điểm chuyên gia chứng khoán Vũ Ngọc Quang, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research, thời điểm hiện tại khác 2017 ở chỗ thị trường trái phiếu đã lớn hơn rất nhiều. Đơn cử như dư nợ trái phiếu đáo hạn giai đoạn 2022 - 2023 cũng khá lớn, do đó, các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ tập trung vào giai đoạn này sẽ thấy có áp lực lên dòng tiền để thanh toán.
Tuy nhiên, so với thời kỳ 2017, các chủ đầu tư bất động sản cũng có nhiều công cụ hơn để đảm bảo dòng tiền của họ, như thị trường chứng khoán phát triển giúp doanh nghiệp bất động sản có thể phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu hay tìm nguồn vốn vay nước ngoài (offshore funding) để tài trợ cho dự án. Bên cạnh đó là xu hướng hợp tác chia sẻ lợi nhuận với các đối tác nước ngoài.
“Đó là xu hướng mà từ bây giờ đến tương lai các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục phát triển, đa dạng quy mô nguồn vốn và kênh tiếp cận vốn cho mình”, ông Quang khẳng định.
Thậm chí, chuyên gia SSI nhấn mạnh, việc thắt chặt tín dụng bất động sản và ưu tiên cho các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu tài chính lành mạnh, có nhu cầu thực thì việc thị trường được hợp nhất lại là hoàn toàn có thể xảy ra, vì “khó khăn của người này là cơ hội của người khác”.
Chủ đầu tư có sẵn nguồn tiền dữ trữ hay nguồn vốn mạnh hoàn toàn có thể tìm kiếm các cơ hội mở rộng quỹ đất, tích trữ nội lực để chờ đợi đến thời điểm kinh tế vĩ mô đất nước cải thiện hơn. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản có nguồn vốn năng lực phát triển trong thời gian tới, tình trạng thâu tóm quỹ đất hay hợp nhất các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng xảy ra.