Siết thu thuế cho thuê căn hộ: Cân nhắc ngưỡng doanh thu chịu thuế phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
Mọi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận đều phải đóng thuế, nhưng theo các chuyên gia, ngưỡng doanh thu chịu thuế cho thuê căn hộ cần phù hợp với thực tế, tránh gây áp lực giảm nguồn cung.
Siết thu thuế cho thuê căn hộ: Cân nhắc ngưỡng doanh thu chịu thuế phù hợp

Đầu tư cho thuê căn hộ giảm sức hấp dẫn

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư 3 căn hộ chung cư cao cấp ở quận 11 (TP.HCM) để cho thuê, nhưng anh Vũ Xuân Hùng (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) kinh doanh không đạt hiệu quả như ý. Từ khi Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 đến nay, các căn hộ thường xuyên bị bỏ trống. Ngoài chung cư, hai căn nhà phố mà anh Hùng đang sở hữu cũng hầu như không có khách thuê gần 5 tháng qua.

“Trước đây, tôi cho thuê mỗi căn hộ chung cư với giá 17 triệu đồng/tháng, nhưng dịch bệnh ập đến, khách hàng đồng loạt trả nhà. Tôi đã giảm giá, nhưng cũng không có khách. Một số căn hộ đã bỏ trống từ cuối năm 2020 đến nay. Tôi đang tính bán luôn căn hộ để tìm kênh đầu tư khác”, anh Hùng than thở.

Ngoài lý do dịch bệnh nên không có khách thuê, điều khiến anh Hùng thêm quyết tâm chuyển hướng kinh doanh là mới đây, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước TP.HCM ban hành kế hoạch thí điểm thu thuế người cho thuê căn hộ, văn phòng, diện tích mặt bằng kinh doanh trong nhà chung cư.

Việc thu thuế người cho thuê căn hộ, chung cư không mới (đã được quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính), song điểm bất hợp lý được anh Hùng chỉ ra là, ngưỡng chịu thuế cho thuê nhà của cá nhân hiện nay là 10%, trong khi nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khác dao động từ 4,5 đến 7%; cá nhân bỏ vốn để đầu tư bất động sản cho thuê phải chịu thuế mà không được trừ bất kỳ khoản chi phí nào là không hợp lý.

Thêm vào đó, ngưỡng doanh thu cho thuê nhà trên 100 triệu đồng/năm thuộc diện nộp thuế không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP.HCM. Nếu áp dụng mức này, thì hầu hết chủ căn hộ đều phải đóng thuế.

Không riêng người cho thuê căn hộ, những người thuê nhà, như vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh (30 tuổi) đang thuê căn hộ 2 phòng ngủ với giá 8 triệu đồng/tháng tại quận 7 cũng lo lắng, vì chắc chắn, một phần hoặc toàn bộ mức thuế này sẽ được cộng vào giá thuê nhà.

Cân nhắc ngưỡng doanh thu chịu thuế

Khẳng định mọi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận đều phải đóng thuế và việc thu thuế cho thuê căn hộ chung cư là hoàn toàn phù hợp, nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại, việc áp dụng ngưỡng chịu thuế cho thuê căn hộ hiện nay có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Theo ông Đính, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động cho thuê căn hộ chưa mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. “Với mức thuế cho thuê căn hộ 10% và ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/một năm, sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và tâm lý của các nhà đầu tư, không khuyến khích được đầu tư mua căn hộ kinh doanh, làm giảm nguồn cung của thị trường”, ông Đính phân tích.

Do vậy, chuyên gia này đề đề xuất, có thể tạm hoãn thu thuế một thời gian, hoặc áp mức thuế 2 - 3%, bởi cho thuê căn hộ là hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lợi nhuận thấp, không giống với hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của các công ty, doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc áp dụng thuế cho thuê căn hộ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người thuê nhà, làm tăng chí phí sinh hoạt, gây áp lực lên mặt bằng giá cả.

“Việc đánh thuế sẽ tác động đến chi phí đầu vào của các dịch vụ. Khi chi phí tăng sẽ dẫn đến giá thành tăng. Tuy nhiên, mặt bằng giá nhà cho thuê tăng hay giảm là do cung và cầu của thị trường”, ông Bảo nói.

Trao đổi với báo chí về quy định quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, hiểu được những khó khăn của cả người cho thuê nhà và người thuê nhà, nên chính sách thuế đã được xây dựng với mức thuế của cá nhân thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp.

Cụ thể, thuế giá trị gia tăng của cá nhân là 5%, trong khi của doanh nghiệp là 10%; thuế thu nhập cá nhân là 5%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trên chênh lệch (doanh thu trừ chi phí).

Tuy nhiên, bà Lan cũng khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế trong thời gian tới để phù hợp với tình hình thực tế.

Tin bài liên quan