Siết quản trị công ty: Đừng để doanh nghiệp “nhờn” quy định

Siết quản trị công ty: Đừng để doanh nghiệp “nhờn” quy định

(ĐTCK) “Cái gì đã là quy định pháp lý, đừng bao giờ để doanh nghiệp vi phạm. Đừng để doanh nghiệp cho rằng, nếu chưa tuân thủ cũng chưa bị phạt đâu”, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chia sẻ quan điểm tại Hội thảo về quản trị công ty do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức tuần qua tại Đà Lạt.

Buổi hội thảo có sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn góp của SCIC, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX. Nội dung nóng nhất được thảo luận liên quan đến quy định, Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết phải có 1/3 thành viên độc lập, theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2017.

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco đặt câu hỏi với bà Lê Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: “Thực tế cho thấy, tại các doanh nghiệp, đa số cổ đông lớn giới thiệu ứng viên tham gia Hội đồng quản trị. Vậy nếu không có ai giới thiệu, hoặc có cổ đông giới thiệu nhưng không được bầu, trường hợp này doanh nghiệp giải quyết thế nào?".

Bà Hà trả lời rằng, nhiều năm qua, kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 121/2012/TT-BTC về quản trị công ty, rất nhiều công ty đã có ý kiến về vấn đề này, trong đó có nhiều cổ đông nhà nước chất vấn, họ có quyền đề cử và bầu dồn phiếu cho người của họ vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Họ cũng không tin rằng, ở Việt Nam tồn tại khái niệm độc lập.

Theo vị đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, điều này thể hiện cổ đông, doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa nhận thức được vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong quản trị công ty. Tiêu chí đưa ra đã rõ, nhưng doanh nghiệp còn chưa tuân thủ. Đây là vấn đề mới mẻ và khá khó khăn với doanh nghiệp nên trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán chưa xử phạt doanh nghiệp nào chưa thực hiện quy định này.

Giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra để gỡ khó cho thực tế này là tới đây thành lập Học viện Quản trị công ty, trong đó có nội dung đào tạo thành viên Hội đồng quản trị, một mô hình đã được áp dụng ở nhiều nước trong khu vực. Bà Hà cũng lý giải thêm rằng, nếu không luật hóa vào các quy định, khó có thể đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nghiêm túc.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) cho rằng, hiện các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm thành viên Hội đồng quản trị độc lập, nhưng vấn đề có thể được giải quyết nếu cả doanh nghiệp và các ứng viên trả lời được rõ ràng các câu hỏi như thành viên Hội đồng quản trị độc lập đến doanh nghiệp, họ được làm gì?

Nhiệm vụ của họ, nghĩa vụ của họ là gì? Những thành viên Hội đồng quản trị còn lại đánh giá vai trò của họ như thế nào? Tất nhiên, đi kèm với nghĩa vụ, họ sẽ có quyền lợi. Nếu doanh nghiệp và bản thân các thành viên Hội đồng quản trị khác xây dựng được bộ quy tắc, nhiệm vụ hết sức rõ ràng thì không quá khó trong việc tìm, chọn được thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Chia sẻ của ông Liêm cho thấy, VNM không quá khó khăn khi tìm kiếm thành viên HĐQT độc lập.  Điều này là dễ hiểu, bởi VNM có vị thế và danh tiếng trên thị trường, chưa kể thù lao chi trả cho nhân sự ngồi ghế thành viên Hội đồng quản trị của Công ty rất hấp dẫn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của VNM không dễ dàng áp dụng tại các doanh nghiệp khác.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) cho rằng, các quy định về tiêu chí, điều kiện cho thành viên Hội đồng quản trị độc lập chưa phù hợp và quá chặt chẽ với doanh nghiệp.

Ông nói: “Theo quy định, họ không phải là người đang hưởng thù lao từ doanh nghiệp. Nhưng từ trước đến nay, thành viên Hội đồng quản trị đều được hưởng thù lao. Liệu thành viên Hội đồng quản trị độc lập có phải là những người có tấm lòng hy sinh cao cả cho doanh nghiệp mới làm việc mà không nhận thù lao?”.

Hay quy định thành viên Hội đồng quản trị độc lập không phải là người tham gia Hội đồng quản trị công ty trong vòng ít nhất 5 năm liền trước. Trên thực tế, ngồi ghế Hội đồng quản trị công ty phải là những người có định hướng chiến lược, giỏi về tài chính, chuyên môn và cũng phải rất hiểu công ty. Những người đó tốt cho doanh nghiệp, nhưng nếu theo quy định mới, họ khó có "cửa" tham gia vào doanh nghiệp.

Ông Ngân lấy ví dụ về trường hợp Chủ tịch BMP hiện nay là ông Lê Quang Doanh. Ông Doanh đã gắn bó với Công ty hơn 40 năm, có nhiều năm kinh nghiệm đảm nhận ghế Tổng giám đốc, hiện đang tham gia Hội đồng quản trị, nhưng theo quy định mới, ông sẽ không thể tiếp tục tham gia với vai trò thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Trong khi đó, BMP đang thực sự cần những nhân sự như vậy. Hay đại diện vốn của SCIC tại BMP dù không sở hữu cổ phần trực tiếp vẫn không thể coi là thành viên độc lập. 

“Với các tiêu chí dành cho thành viên Hội đồng quản trị độc lập hiện nay, những người có kinh nghiệm, chuyên môn mà doanh nghiệp mong muốn mời họ hợp tác lại khó có cơ hội tham gia vào Hội đồng quản trị của doanh nghiệp”, ông Ngân nhìn nhận.

Dẫu khó khăn là vậy, theo quan điểm của vị lãnh đạo doanh nghiệp này, nếu đã pháp lý hóa thành các quy định, cơ quan quản lý cần triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. Ông chia sẻ, mọi doanh nghiệp đều luôn mong muốn tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp lý, vì thế rất cần các quy định, khái niệm rõ ràng

. Đừng để doanh nghiệp tự nhủ rằng, quy định như thế nhưng nếu chưa tuân thủ cũng chưa bị phạt. Hoặc rơi vào tình thế, quy định chưa rõ ràng, chưa hợp lý, nhưng cứ làm đi, rồi nếu lỡ bị phạt thì ráng chịu.

“Chúng tôi hiểu rằng, cơ quan quản lý rất muốn doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về quản trị công ty. Nhưng nếu đã ban hành thành quy định thì có nghĩa là doanh nghiệp phải tuân thủ, còn nếu không, nên đưa thành các thông lệ. Đã là các thông lệ tốt, dù cơ quan quản lý không bắt buộc, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện để doanh nghiệp tốt hơn”, ông Ngân kiến nghị.

Tin bài liên quan