Tiền vẫn chảy mạnh dù siết margin
Trong tuần qua, nhà đầu tư tiếp nhận thông tin một số công ty chứng khoán đang siết lại margin. Thông báo từ một công ty chứng khoán về mã cổ phiếu đang hút dòng tiền trên thị trường cho biết, hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu này đã hết nên sẽ ngừng cho vay mới.
Các tài khoản bán mã cổ phiếu này, tính tỷ lệ thu hồi 50% trong trường hợp bán xong tài khoản vẫn margin call. Hiện tượng này cũng diễn ra ở nhiều mã chứng khoán đang hút dòng tiền khác.
Thậm chí, một số công ty chứng khoán đưa thông báo về việc ngưng toàn bộ các giao dịch duyệt lệnh mua thiếu tiền ký quỹ và tạm ngưng một số chương trình ưu đãi về margin để chuyển về tài khoản thường.
Hoạt động ngưng cấp mới do hết room margin, hay điều chuyển các chương trình ưu đãi về margin là nghiệp vụ rất bình thường ở công ty chứng khoán.
Song, đặt trong bối cảnh thanh khoản tăng rất mạnh và sức “cung” dịch vụ tài chính của công ty chứng khoán có giới hạn – thì việc ra thông báo hết room margin là tín hiệu khiến nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, lượng margin trên thị trường đang ở mức cao.
Theo quan sát của trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán, việc siết margin để đảm bảo tiêu chí an toàn vốn đối với công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm nhằm đáp ứng yêu cầu của kiểm toán.
Đa số trường hợp việc siết margin làm cho thị trường chứng khoán kém sôi động hơn trong tuần cuối tháng 12 như nhiều năm trước đây (trừ năm 2018).
Tuy nhiên, năm 2020 khác với các năm trước ở chỗ nhiều công ty chứng khoán đã tăng vốn điều lệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào với chi phí rẻ nên ảnh hưởng của việc siết margin nếu có sẽ không nhiều.
Dòng tiền vẫn đang chảy vào thị trường một cách tự tin và có phần lo sợ bỏ lỡ cơ hội khi có nhiều diễn biến tích cực vẫn đang được ghi nhận trong tuần qua.
Dòng tiền vẫn đang chảy vào thị trường một cách tự tin và có phần lo sợ bỏ lỡ cơ hội khi có nhiều diễn biến tích cực vẫn đang được ghi nhận trong tuần qua. Phiên điều chỉnh 16/12 cũng chứng khiến thanh khoản kỷ lục của sàn HOSE, với gần 14.000 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Cụ thể, nhóm nhà đầu tư Thái Lan đang quay trở lại thị trường Việt Nam sau gần nửa năm rút vốn vì lo ngại Covid.
Theo số liệu từ Bualuang Securities (Thái Lan), số lượng chứng chỉ lưu ký (DR) VFMVN30 ETF niêm yết trên Sở GDCK Thái Lan (SET) vào cuối tháng 11/2020 ghi nhận 46,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 988,2 triệu Bath (khoảng 760 tỷ đồng) - là lượng DR VFMVN30 ETF lớn nhất kể từ tháng 3 tới nay.
Chưa kể, lần đầu tiên thế giới có quỹ đầu tư cổ phiếu đạt 1.000 tỷ USD. Cụ thể, tính đến ngày 30/11, tổng giá trị tài sản của Quỹ chỉ số Vanguard Total Stock Market đạt 1.040 tỷ USD.
Quỹ Vanguard Total Stock Market Index Fund, bao gồm hai quỹ con là một quỹ tương hỗ (mutual fund) và một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF).
Thông tin này được các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận rằng, xu thế đầu tư vào các quỹ ETF của các nhà đầu tư F0 cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang gia tăng - là tín hiệu tích cực để các quỹ ETF nội có thể tiếp tục thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài (do nhà đầu tư trong nước hiện chưa quen với loại hình đầu tư vào ETF).
Nhưng không thể phủ nhận, yếu tố tiên quyết vẫn đến từ dòng tiền nội dồi dào đang được duy trì đã cuốn nhanh những lo ngại.
Tín hiệu trung, dài hạn vẫn tích cực
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, sự dịch chuyển của dòng tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư mới (F0) và sự bổ sung đáng kể của dòng vốn margin của các công ty chứng khoán (ước lượng tăng khoảng gần 30% so với 2019 và gần 50% so với 2018) là yếu tố bổ sung cho thanh khoản của thị trường.
Năm 2020 chứng kiến vai trò dẫn dắt của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, với tiêu điểm là dòng tiền tiết kiệm truyền thống giờ đã tìm tới kênh đầu tư chứng khoán trong điều kiện lãi suất quá thấp (tính lãi suất thực dương sau khi trừ đi lạm phát thì con số chỉ xấp xỉ 1 - 2%).
Trong điều kiện khối ngoại bán ròng, khối tự doanh công ty chứng khoán giao dịch không lớn thì nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn mua ròng lớn để đưa thị trường lên các mốc điểm cao trong năm, trong 2 tuần đầu tháng 12 thanh khoản thị trường liên tục phá kỷ lục thì cũng là lúc nhà đầu tư cá nhân mua ròng kỷ lục.
Chính sách tiền tệ nới lỏng và bơm thanh khoản không giới hạn trong các tình huống khẩn cấp của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính cho sự gia tăng của các thị trường tài sản trên toàn cầu.
Trong đó, kênh chứng khoán nổi lên là kênh hưởng lợi lớn khi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 khiến nhiều kênh đầu tư khác không thể hút được dòng tiền.
Một điểm đáng lưu ý là chính sách tiền tệ gần như có sự đồng nhất trên quy mô lớn ở hầu hết các nền kinh tế và Covid cũng là tác nhân tạo sự sự đồng nhất này, từ các ngân hàng trung ương lớn nhất như Fed, ECB, BOE, BOJ, PBOC cho đến hầu hết các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh với việc hàng loạt vắc-xin được đưa ra thị trường sẽ giúp phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho nhà đầu tư.
Ông Ngọc cho rằng, điều này sẽ kéo theo sự hồi phục về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực của Covid-19 trong năm 2020.
Năm 2020 là năm đặc biệt khi các yếu tố cơ bản yếu nhưng chứng khoán vẫn tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền.
Theo đó, ông Ngọc nhìn nhận, các yếu tố hỗ trợ thị trường tăng đang chiếm đa số và là các yếu tố lớn, trong khi các yếu tố có thể làm thị trường điều chỉnh chỉ là ngắn hạn.
Do đó, với dòng tiền dịch chuyển lớn và chính sách tiền lệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương thì nhìn về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn có xu hướng tăng trưởng dài hạn cho đến khi các yếu tố về dòng tiền dịch chuyển hay chính sách tiền tệ thay đổi.
Còn trong ngắn hạn, áp lực điều chỉnh có thể gia tăng, và điều chỉnh nếu có xảy ra cũng là hợp lý trong quá trình thị trường chứng khoán đang có cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh trong dài hạn.
Tương tự, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirea Asset đánh giá, VN-Index lập đỉnh mới trong năm 2020 mặc dù Covid-19 diễn ra và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh còn có thể kéo dài sang năm 2021. Hiện tại, chỉ số P/E của VN-Index đang ở ngưỡng +1 độ lệch chuẩn (xem hình 1).
Hình 1: Thống kê P/E của VN-Index trong 10 năm. |
Trong lịch sử 10 năm gần nhất, VN-Index nhiều lần chạm mức này đã giảm trở lại, ngoại trừ giai đoạn cuối 2017 và đầu 2018, nhưng sau đó P/E của thị trường có xu thế chung giảm trở lại. Đây là những dấu hiệu hàm ý nhà đầu tư cần cẩn trọng nhiều hơn trong ngắn hạn.
Về trung và dài hạn, ông Minh có quan điểm tích cực hơn khi các điểm sáng về mặt vĩ mô sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong các năm tới. Thị trường kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh trong hai năm tới. Cụ thể, thu nhập trên cổ phiếu của VN-Index kỳ vọng sẽ tăng 21,35% trong năm 2021 và 19,26% trong năm 2022 (xem bảng 1).
Bảng 1: Dự báo EPS của VN-Index trong 2021 và 2022. |
Nếu chỉ số chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp được tăng với mức khá như trên thì xác suất tăng giá trong dài hạn của VN-Index là khá lớn. Cho nên, vấn đề của nhà đầu tư là chọn đúng cổ phiếu và thời điểm giải ngân.