Siết điều kiện đưa ngân hàng yếu kém vào “sổ đen”

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước dự định sửa đổi các quy định về “chấm điểm” và xếp loại ngân hàng, trong đó, có nhiều điều kiện cụ thể để xếp loại ngân hàng vào diện yếu kém, kiểm soát đặc biệt.
Mức độ an toàn vốn được đánh giá rất chi tiết trong xếp loại ngân hàng. Ảnh: Đ.T

Mức độ an toàn vốn được đánh giá rất chi tiết trong xếp loại ngân hàng. Ảnh: Đ.T

Lỗ lớn, mất khả năng chi trả, thủng lưới an toàn vốn sẽ bị đưa vào sổ đen

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) đang phân loại các ngân hàng thành 5 nhóm để có biện pháp giám sát, xử lý kịp thời và phù hợp với từng loại ngân hàng, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, căn cứ vào các yếu tố như vốn, chất lượng tài sản, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường… để đưa ra mức điểm cho mỗi tổ chức tín dụng (thang điểm từ 1 đến 5).

Mặc dù năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 52/2018/TT-NHNN về xếp hạng tổ chức tín dụng, song do những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra Dự thảo sửa đổi thông tư này. Theo đó, cách chấm điểm, xếp loại tổ chức tín dụng sẽ chặt chẽ hơn.

Đáng lưu ý, với tổ chức tín dụng hạng yếu và yếu kém (loại D và E), ngoài tiêu chí về điểm số, Dự thảo còn đưa ra những quy định chặt chẽ vào Thông tư, thay vì dẫn chiếu Luật Các tổ chức tín dụng như hiện hành.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xếp hạng D (Yếu) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5. Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn bị xếp hạng D nếu lâm vào một trong hai trường hợp: không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định trong thời gian 3 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại trong thời gian 6 tháng liên tục”.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng E (Yếu kém) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 1,5 hoặc bị lâm vào một trong 3 trường hợp: mất hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, lý do khiến cơ quan này sửa đổi Thông tư 52/2018/TT-NHNN là nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng, mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng rủi ro cao. Từ đó, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát ngân hàng. Bên cạnh đó, việc đánh giá đầy đủ thực trạng, rủi ro của các ngân hàng cũng là cơ sở để NHNN xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Ngân hàng lo Covid-19 đánh tụt hạng tín nhiệm

Tán thành cách chấm điểm khắt khe để giám sát các ngân hàng yếu kém, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, song nhiều ngân hàng thương mại và chuyên gia pháp lý ngân hàng cho rằng, NHNN cần chấm điểm một cách hợp lý và công bằng hơn với các ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) lấy ví dụ, về tiêu chí vốn (hệ số an toàn vốn - CAR và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1), thì mức quy định mà NHNN đưa ra quá cao, khiến các ngân hàng thương mại khó đạt điểm tối đa.

“Theo quy định, để đạt được 5 điểm tối đa, thì CAR phải lớn hơn hoặc bằng 15% và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 phải lớn hơn hoặc bằng 12%. Đây là mức rất khó đạt được, xét trên tỷ lệ CAR bình quân chung của toàn hệ thống”, ông Long cho biết.

Thực tế, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ số CAR bình quân của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN là 11,16%, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 9,08%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 10,99%. Tỷ lệ CAR bình quân của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN cũng chỉ dao động ở mức 9,5-11%.

Một vấn đề nữa khiến các ngân hàng lo ngại là, Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng, nếu NHNN không tính tới yếu tố khách quan này khi xếp loại, chấm điểm, thì ngân hàng càng hỗ trợ khách hàng nhiều càng thiệt thòi.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, nếu theo cách chấm điểm này, ngân hàng nào càng cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng càng nhiều, thì nợ tiềm ẩn, nợ xấu càng lớn và có nguy cơ bị tụt hạng khi chấm điểm. Do đó, các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét yếu tố khách quan là Covid-19 khi tính điểm chỉ tiêu này.

“Nên loại trừ nợ được cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN khỏi nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi chấm điểm về chất lượng tài sản tổ chức tín dụng”, đại diện Techcombank kiến nghị.

Được biết, trong năm nay, riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm 6.000 - 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc giảm thu nhập này ảnh hưởng lớn đến thu nhập lãi cận biên và lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng, dẫn đến nguy cơ bị tụt hạng khi Ngân hàng Nhà nước chấm điểm. Do đó, các ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép tổ chức tín dụng ghi nhận lại khoản thu nhập đã giảm để đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ khi chấm điểm.

Nên “thưởng” cho ngân hàng thương mại hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém

Thời gian vừa qua, một số ngân hàng TMCP rất tích cực, nỗ lực tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, như đã sử dụng một phần năng lực tài chính của mình để hỗ trợ vốn điều lệ, cho vay với lãi suất ưu đãi, chi trả một số chi phí nhân sự cấp cao tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, hỗ trợ một phần chi phí phát hành trái phiếu để huy động vốn, cử nhân sự cấp cao sang tham gia quản trị điều hành, hỗ trợ xây dựng và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin...

Các hoạt động hỗ trợ trên đã ảnh hưởng phần nào đến các chỉ số tài chính và kết quả hoạt động của tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu khi thực hiện tính toán và chấm điểm theo như quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Đề nghị NHNN xem xét cộng thêm điểm thưởng cho các tổ chức tín dụng này, nhằm ghi nhận sự đóng góp của các ngân hàng trong việc triển khai việc tái cơ cấu, đồng thời cũng là khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Tin bài liên quan