Vất vả khắc phục hậu quả
Nhiều cơ quan, ban ngành đã phải tham gia khắc phục hậu quả của vụ cháy này. Cụ thể, để đảm bảo an ninh trật tự, ổn định cuộc sống người dân tại khu vực này, UBND TP chỉ đạo UBND quận Hà Đông chủ động phối hợp với các ngành chức năng bố trí địa điểm tạm cư, trong khi chờ khắc phục hậu quả; chỉ đạo lực lượng công an quân, công an phường Phúc La, bảo vệ dân phố phong tỏa hiện trường, hướng dẫn cư dân sinh sống tại tòa nhà phối hợp với lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhân dân; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thương, chiến sỹ bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông chỉ đạo rà soát, hỗ trợ cư dân trong khi phải tạm di chuyển để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Đông phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, khắc phục hệ thống đường dây để tiến hành cấp điện sinh hoạt trở lại đối với các tòa nhà CT4A, B, C trong ngày 12/10/2015.
Công ty Nước sạch Hà Nội chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Đông cung cấp đủ nguồn nước sạch sinh hoạt cho cư dân tại 3 tòa nhà trên, Công ty Môi trường đô thị thu dọn vệ sinh đảm bảo cảnh quan, môi trường khu vực.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố phối hợp với cơ quan công an và các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; yêu cầu chủ đầu tư công trình, Ban quản lý Dự án khu đô thị Xa La đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, ăn ở của người dân bị ảnh hưởng từ vụ cháy, nhanh chóng khắc phục hệ thống kỹ thuật tại các tòa nhà trên đảm bảo an toàn khi trở lại vận hành; chấp hành các yêu cầu của cơ quan điều tra, chính quyền địa phương trong việc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy theo quy định của pháp luật.
Cho đến cuối ngày 13/10, nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, dư âm của nó vẫn còn rất nặng nề. Khoảng 21h30 đêm ngày 12/10, tại Chung cư CT5 Xa La, Hà Đông, Hà Nội, người dân lại một phen hốt hoảng khi thấy chuông báo cháy phát ra từ tòa nhà.
Tuy nhiên, khi lực lượng phòng cháy chữa cháy đến nơi kiểm tra thì không thấy có cháy và bước đầu vụ việc được xác định là báo cháy giả, có người lạ lẻn vào chung cư và bấm chuông báo cháy. Chi tiết vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Siết lại kỷ cương phòng chống cháy nổ
Trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết luận nguyên nhân vụ cháy chung cư CT4, nhiều người lo ngại về sự an toàn trong phòng chống cháy nổ tại các tòa chung cư khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bởi trước đây, đã có không ít vụ cháy nổ tại các chung cư cao tầng gây hậu quả nghiêm trọng, đơn cử vụ cháy Chung cư JSC 34 Khuất Duy Tiến khiến 2 người chết hay cháy Chung cư 25 tầng của Licogi 13…
Theo quy định hiện hành, song song với xin giấy phép xây dựng, chủ đầu tư dự án phải xin giấy phép thẩm định phòng chống cháy nổ do Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội cấp. Cơ quan này sẽ thẩm định xem năng lực của đơn vị thiết kế trong hồ sơ xin phép của chủ đầu tư có đáp ứng đủ điều kiện hay không, thiết kế có đúng quy chuẩn không, trên cơ sở đó ra văn bản chấp thuận phương án thẩm định phòng cháy chữa cháy.
Sau đó, trong quá trình đầu tư thi công xây dựng công trình, các chủ đầu tư tòa nhà phải đầu tư song song với phương án thiết kế phòng cháy chữa cháy đã được cấp phép. Khi công trình hoàn thành, phải lập hội đồng nghiệm thu do Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chủ trì. Nếu đủ điều kiện, Hội đồng nghiệm thu sẽ cấp biên bản đã nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, sau đó chủ đầu tư mới được bàn giao nhà cho cư dân và đưa công trình vào hoạt động.
Việc tuân thủ pháp luật phòng chống cháy nổ, theo tổng giám đốc một công ty xây dựng lớn, nếu chủ đầu tư lơ là sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ là các vụ tai nạn dễ xảy ra, trách nhiệm đền bù thiệt hại lớn mà còn bị cơ quan chức năng phạt nặng và phạt nhiều lần.
Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội, tính đến quý II/2015, toàn Thành phố có 891 công trình nhà cao tầng, trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, việc nhiều chung cư cao tầng ở Hà Nội vẫn được cấp phép xây dựng dù hồ sơ phòng cháy, chữa cháy chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt là tình trạng ngang nhiên vi phạm Luật Phòng cháy chữa cháy, buông lỏng quản lý và bất chấp tính mạng, sự an toàn của người dân. Vi phạm này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong an toàn phòng chống cháy nổ.
Trên thực tế, tình trạng các dự án nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy của các dự án chậm cả tháng so với thời điểm bàn giao nhà cho dân diễn ra khá phổ biến (vì chủ đầu tư e ngại chậm tiến độ dễ phát sinh khiếu kiện với khách hàng). Điều này càng tiềm ẩn những rủi ro về những quả bom nổ chậm trong lòng Thành phố.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về một cuộc kiểm tra rà soát lại các tòa nhà cao tầng chưa tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ, để có những cảnh báo, thậm chí là nêu tên trên các phương tiện truyền thông vì chỉ có phòng xa mới tránh được giặc hỏa đến gần.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng Việt Nam, tới đây, UBND TP. Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý an toàn cháy nổ tại các dự án bất động sản, từ khâu thẩm định hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến nghiệm thu công trình, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Liên quan đến vụ cháy tại Khu đô thị Xa La, đại diện chủ đầu tư 3 tòa nhà cho biết đã cử nhân sự phối hợp với toàn bộ ban quản lý các tòa nhà do Công ty đầu tư trên địa bàn Thành phố kiểm tra, rà soát lại các thiết bị và quy định về phòng chống cháy nổ trong các tòa nhà, trên cơ sở đó, đề xuất đầu tư bổ sung và đưa ra các giải pháp tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ. Tới đây, các tòa nhà sẽ triển khai lắp đặt camera để giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng chống cháy nổ. Mặc dù lớp bê tông tại tầng hầm khá dày, song để đánh giá tác động của vụ cháy, doanh nghiệp đã mời cơ quan giám định chất lượng xây dựng vào thẩm định lại tầng hầm, cũng như kết cấu tòa nhà để có kết luận chính xác. Việc giải quyết hậu quả của vụ cháy, doanh nghiệp đang chờ kết luận của cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết. |