Siết chặt kỷ cương, chứng khoán được lợi

Siết chặt kỷ cương, chứng khoán được lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia đánh giá, vụ án FLC sau khi kết thúc điều tra và tiến tới xét xử sẽ tác động tích cực tới thị trường và đây chỉ là vụ việc cá biệt.

Thông qua công tác điều tra về vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty có liên quan, Bộ Công an vừa có kiến nghị đến các cơ quan chức năng các biện pháp tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thị trường, chứng khoán, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Sau hơn một năm, vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, trong đó có sự quan tâm về tác động đối với thị trường chứng khoán (TTCK).

Chỉ là cá biệt, thị trường sẽ phản ứng tốt

Chia sẻ góc nhìn với báo chí, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao CTCK KIS nhận định, việc đưa vụ án FLC ra xét xử sẽ tác động tích cực tới thị trường trong thời gian tới chứ không hẳn ảnh hưởng tâm lý bất lợi. Bởi trước hết, câu chuyện khởi tố vụ án đã xảy ra hơn một năm, việc xét xử không còn gây bất ngờ hay hoang mang cho nhà đầu tư.

Thực tế hơn một năm qua, vụ án này có các thời điểm cập nhật thông tin diễn biến song không gây xáo động trên thị trường được cho là có liên quan. Với nhà đầu tư, sau sự kiện khởi tố, câu chuyện về vụ án cũng không tạo nhiều bất ngờ.

Trước đó, thị trường cũng đã quen với một thực tế, nhân vật chính trong vụ án là ông Trịnh Văn Quyết dù nhiều thời điểm tài sản ở số cổ phiếu sở hữu tính theo thị giá trên sàn rất cao nhưng các tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới như Forbes lại không ghi nhận danh xưng là tỷ phú USD.

Trong một lần trao đổi với báo chí trước đây, Janelle Kuah - Giám đốc truyền thông Forbes Châu Á từng cho biết Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết và ông Quyết vẫn chưa được xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào mà Forbes xếp hạng.

Ở khía cạnh trên, ông Trịnh Văn Quyết cũng là một trường hợp cá biệt. Trong khi đó, các tỷ phú USD thực sự của Việt Nam đều lần lượt được Bloomberg, Forbes định giá và ghi nhận rất cụ thể, tính theo thực chất biến động giá cổ phiếu họ sở hữu.

Trở lại với diễn biến mới của vụ việc, chuyên gia Trương Hiền Phương đánh giá việc xử lý của cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo thị trường minh bạch, lành mạnh hơn, đặc biệt dưới con mắt của nhà đầu tư tài chính thế giới.

“Bản chất việc xét xử là tốt, tôi tin thị trường phản ứng tốt với thông tin này”, chuyên gia Trương Hiền Phương nhận định.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ quan điểm: “Tôi đồng tình với quan điểm vụ việc này chỉ là cá biệt, là con sâu làm rầu nồi canh. Thứ nhất, không phải ai cũng dám làm như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, cũng như không có nhiều người đủ lực xoay chuyển như ông Quyết đã làm với cổ phiếu nhóm FLC”.

Cùng góc nhìn trên, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch AzFin cho rằng vụ việc này có nguyên nhân một phần vẫn có kẽ hở về pháp lý, tuy nhiên không phải là vụ việc quá phổ biến.

“Tôi cho rằng, vụ việc này chỉ tác động mạnh nhất khi xảy ra việc bắt giữ, còn khi xét xử thì sự việc đã rồi. Tôi đánh giá việc tác động khi xét xử tới thị trường, tới mọi người là không quá lớn”, ông Phục nhìn nhận.

Tốt cho sự phát triển TTCK dài hạn

Cũng theo chuyên gia Đặng Trần Phục, việc xử lý của các cơ quan chức năng hiện nay đối với các hành vi sai phạm trên TTCK nói chung và với vụ việc FLC nói riêng có tác động tốt cho sự phát triển chứng khoán dài hạn.

“Điều này làm cho nhà đầu tư yên tâm hơn vì chất lượng thị trường được nâng cao, lành mạnh hơn, tránh rủi ro liên quan tới làm giá, phát hành giấy ảo với nhà đầu tư”, ông Phục nêu góc nhìn.

Chuyên gia Trương Hiền Phương cũng nêu quan điểm, sự vào cuộc của cơ quan quản lý giúp nâng cao vị thế và hình ảnh TTCK Việt Nam, củng cố niềm tin của nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước, mở ra xu hướng đầu tư mới, tăng trưởng tốt hơn bởi niềm tin đã và đang quay trở lại.

Như góc nhìn mà các chuyên gia trên chia sẻ, lành mạnh hóa TTCK Việt Nam sẽ củng cố niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 16/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ Việt Nam cam kết tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng.

Còn trên TTCK, tại thời điểm có thêm những thông tin mới về vụ án FLC, nhà đầu tư vừa đón sự khởi đầu tháng 11 này khá ấn tượng. Đặc biệt trong phiên ngày 02/11, cả ba sàn đồng loạt khởi sắc với 148 mã tăng kịch trần biên độ; chỉ số VN-Index có phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, tăng tới 35,81 điểm, ứng với mức tăng 3,44%.

Tin bài liên quan