Siết chặt công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước: Không bắn chỉ thiên

(ĐTCK) Động thái mạnh tay của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Chính phủ mới đây trong việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước tạo ra niềm tin rằng, khu vực doanh nghiệp này sẽ có nhiều đổi mới trong năm 2017.

Muôn nẻo vi phạm

Theo quy định, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin.

Nhưng đến thời điểm tổng hợp, ngày 31/12/2016, mới có 241/620 doanh nghiệp (chiếm 38,87% số doanh nghiệp) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp tại địa chỉ http://www.business.gov.vn.

Trong số khoảng 380 doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện công bố thông tin, có nhiều công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp).

Đáng lưu ý là trong tổng số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP thì hầu hết các doanh nghiệp trong số 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 4/9 loại báo cáo.

Đơn cử, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ mới chỉ công bố báo cáo thực hiện nhiệm vụ công ích, trách nhiệm xã hội, báo cáo tài chính và lương thưởng. Do kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2016 không được công bố, cũng như kế hoạch 5 năm không có, nên dù có soi rất kỹ những báo cáo trên cũng không thể biết được, doanh nghiệp thực hiện được bao nhiêu so với kế hoạch.

Hay Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam mới công bố 2/9 báo cáo là sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và lương thưởng, các con số về hoạt động kinh doanh hoàn toàn vắng bóng.

Một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015. 

Phú quý giật lùi

Có thể do nguyên nhân khách quan và cả chủ quan, nhưng chững lại là hiện trạng chung của các tập đoàn kinh tế có thể thấy qua báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh hàng năm và 3 năm.

Chẳng hạn, trong năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng khai thác dầu thô và sản phẩm khí so với năm 2015 (tương ứng dầu là 7,11 triệu tấn so với 16,88 triệu tấn và khí là 4,5 triệu tấn so với 10,7 triệu tấn). Các sản phẩm sản xuất khác như urê, điện, xơ sợi trong năm 2016 cũng thấp hơn so với năm 2015 (urê đạt 763.800 tấn năm 2016 so với 1683.500 tấn năm 2015; điện đạt 9,28 tỷ KWh năm 2016 so với 21,98 tỷ KWh năm 2015; sản phẩm xăng dầu đạt 2,774 triệu tấn năm 2016 so với 6.911 triệu tấn năm 2015). Lợi nhuận sau thuế dự kiến của Tập đoàn trong năm 2016 là 18.000 tỷ đồng so với 30.700 tỷ đồng năm 2015 (bằng 58,63% so với năm 2015).

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ước năm 2016, các số liệu thống kê về doanh thu, nộp ngân sách đều thấp hơn so với năm 2015. Cụ thể: ước sản lượng cao su tự khai thác đạt 244.000 tấn so với 265.300 tấn năm 2015; sản lượng cao su tiêu thụ đạt 315.500 tấn so với 322.900 tấn năm 2015; sản lượng gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) đạt 929.480 tấn so với 782.510 tấn năm 2015; đất khu công nghiệp cho thuê đạt 330 ha so với 373 ha năm 2015; tổng doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng so với 17.343 tỷ đồng năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng so với 2.474 tỷ đồng năm 2015 (bằng 60,6% so với năm 2015); nộp ngân sách đạt 1.300 tỷ đồng, bằng 85,36% so với năm 2015.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng dự kiến các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2016 đều giảm sút so với năm 2015. Cụ thể: ước sản lượng than sạch sản xuất đạt 32.700 tấn so với 35.890 tấn năm 2015; sản phẩm khoáng sản (kẽm thỏi và đồng tấm) đạt 21.000 tấn so với 20.300 tấn năm 2015; sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đạt 65.000 tấn so với 72.400 tấn năm 2015; tổng doanh thu đạt 101.500 tỷ đồng so với 106.980 tỷ đồng năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng so với 839 tỷ đồng năm 2015; nộp ngân sách 12.255 tỷ đồng so với 13.044 tỷ đồng năm 2015.

Siết chặt công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước: Không bắn chỉ thiên ảnh 1

Cần quy trách nhiệm cá nhân

Dù chưa đi vào nề nếp nhưng bước đầu có thể thấy, có nhiều lợi ích từ việc công bố công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Trước hết, việc  này góp phần tạo ra một công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của mình tại các doanh nghiệp này, tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí.

Việc giám sát tốt hoạt động của các doanh nghiệp góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp; góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế.

Đồng thời, việc làm tăng tính ổn định, tính hiệu quả, bền vững sẽ kéo theo tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tạo lòng tin trong xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước; giúp các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, thất thoát, tham ô.

Bên cạnh đó, trong nội bộ doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan chủ sở hữu, giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước còn cải thiện việc chia sẻ, minh bạch hóa thông tin.

Đề xuất áp chế tài xử lý các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ được giới đầu tư và các chuyên gia đánh giá cao. Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, ngoài việc thực thi nghiêm túc các quy định trên, cần sớm có cách thức để quy trách nhiệm cá nhân và xử phạt cá nhân, vì nếu phạt doanh nghiệp nhà nước thì chính chủ sở hữu là Nhà nước lại đứng ra nộp phạt.

Tin bài liên quan