Ở vụ án này, mức độ và phạm vi vụ việc có thể coi là “án điểm” trong ngành

Ở vụ án này, mức độ và phạm vi vụ việc có thể coi là “án điểm” trong ngành

Siết chặt bán hàng nhìn từ “án điểm” 19 hợp đồng bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau 6 lần trì hoãn, ngày 22/8/2024, tại Hải Phòng, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 4 bị cáo liên quan đến 19 hợp đồng bảo hiểm.

“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Đây là vụ án hình sự về 19 hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2020 tại Hải Phòng.

Theo kết quả tuyên án, bị cáo Vũ Thị Ngọc Hà (sinh năm 1987, tại Hải Phòng) chịu mức án 10 năm tù; Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987, tại Hải Phòng) 7 năm tù; Phan Thị Trang (vợ Khánh, sinh năm 1987, tại Hải Phòng) 3 năm án treo. Cả ba bị cáo đều bị Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 174 - Bộ luật Hình sự.

Bị cáo còn lại là Lê Đức Phong (sinh năm 1990, tại Bình Lục, Hà Nam, nghề nghiệp là kinh doanh bảo hiểm của Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ) bị tuyên án 2 năm án treo. Bị cáo Phong bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 174 - Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, theo đề nghị của Viện Kiểm sát, bị cáo Hà được đề nghị mức án 13-14 năm tù, Khánh 7 năm tù, Trang và Phong được hưởng án treo.

Các bị hại gồm 5 công ty bảo hiểm là Prudential, Dai-ichi Life, Hanwha Life, Bảo Việt Nhân thọ và FWD Việt Nam. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gồm 9 công ty bảo hiểm là Bảo hiểm nhân thọ MVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Cathay Life, Generali, Liberty, MB Ageas, Manulife, Bảo hiểm VietinBank và Sun Life. Đây là 14 công ty bảo hiểm liên quan đến việc các bị cáo Hà, Khánh tạo lập 27 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh. Cả 14 công ty bảo hiểm này đều ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Trường Long Giang làm đại diện.

Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tòa án đánh giá, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, đã khắc phục hậu quả, bồi thường số tiền thiệt hại. Cụ thể, Trang và Khánh đã nộp đủ số tiền (hơn 1,6 tỷ đồng) khắc phục hậu quả do gây thiệt hại cho các bên bị hại (5 công ty bảo hiểm kể trên). Hà đã khắc phục được 1,5 tỷ đồng và cho biết sẽ bồi thường đầy đủ toàn bộ thiệt hại cho các bị hại sau khi được xác định cụ thể (đến hiện tại, bị cáo này chưa biết chính xác số tiền cần khắc phục hậu quả). Hiện tại, bản án sơ thẩm đã được phát hành và luật sư bảo vệ bị cáo Hà đã có đơn kháng cáo.

Cần siết chặt hơn công tác bán hàng

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ngành bảo hiểm có một vụ án liên quan tới hành vi “gian lận”, năm 2022 thậm chí còn xảy ra vụ án hình sự giết người, đốt xác để gian lận bảo hiểm. Tuy nhiên, vụ án này nhận được chú ý đặc biệt trong hoạt động bảo hiểm tại Việt Nam vì liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, từ khách hàng và người thân, đại lý, nhân viên công ty bảo hiểm, công ty bảo hiểm… tới nhân viên y tế của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội, theo Viện kiểm sát, là do các bị cáo chấp hành không nghiêm, lợi dụng những sơ hở trong quá trình kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, dùng thủ đoạn gian dối để gian lận. Đồng thời, nhân viên công ty bảo hiểm, nhân viên y tế của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… chưa tuân thủ đầy đủ quy trình nghiệp vụ cũng là điều kiện để các bị can phạm tội.

Cáo trạng cũng thể hiện, hầu hết các đại lý bảo hiểm (đến từ FWD, Dai-ichi, Hanwha, Prudential, MB Ageas...) đều không gặp trực tiếp khách hàng Khánh để tư vấn sản phẩm, hướng dẫn khách hàng, không tuân thủ quy định của công ty bảo hiểm - “điểm hở” lớn trong quá trình khai thác bảo hiểm, mà chỉ trao đổi, giao nhận hồ sơ bảo hiểm qua bị cáo Hà. Tuy nhiên, do các đại lý này không biết trước khi mua bảo hiểm Khánh bị ung thư (bị nghi ngờ mắc ung thư - PV), không ký hợp đồng lao động, không hưởng lương từ công ty bảo hiểm, không thỏa thuận ăn chia, không được hưởng lợi từ số tiền Khánh, Hà chiếm đoạt được từ công ty bảo hiểm nên chưa có căn cứ xử lý hình sự.

Tại tòa, các luật sư xác định, ngoài các hành vi gian dối của các bị cáo, để xảy ra vụ việc còn do sự tắc trách của các công ty bảo hiểm vì đã bỏ qua một số khâu cần thiết dẫn đến các hành vi phạm tội (Viện Kiểm soát đã đề cập rõ trong phần luận tội). Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phong cho biết, Bảo Việt Nhân thọ không có quy định (chi tiết bằng văn bản - PV) về giám sát người đi khám bệnh nên bị cáo này không biết phải giám sát như thế nào, bởi vậy đã tự ý cho tạm dừng kết luận khám sức khỏe của Khánh tại Bệnh viện Hồng Phúc để khám lại mà không có ai giám sát và sau đó, kết quả khám lại đạt yêu cầu nên đã được Bảo Việt Nhân thọ đồng ý phát hành hợp đồng bảo hiểm, còn Khánh được chi trả bảo hiểm hơn 117 triệu đồng. Sau đó, Phong còn tự ý cung cấp hồ sơ khám sức khỏe này cho Hà để bị cáo này sử dụng lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm (mua bảo hiểm), chiếm đoạt tiền của các công ty bảo hiểm khác. Từ đó, dẫn đến việc Phong bị phạm tội, dù đây chỉ là hành vi vô tình giúp người khác.

Từ những câu chuyện gian lận bảo hiểm, các công ty bảo hiểm ngoài việc nâng cao ý thức và quy trình kiểm soát bán hàng, cũng cần hạn chế chạy theo doanh thu, thị phần khiến rủi ro hoạt động tăng tương ứng. Ở vụ án này, mức độ và phạm vi vụ việc có thể coi là “án điểm” trong ngành và kết quả xét xử cần thiết gióng thêm một hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác bán hàng.

Trong bối cảnh hiểu biết của người mua bảo hiểm cũng như bên bán còn chưa cao, nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiểm tra khách hàng, đại lý khi mua - bán bảo hiểm đã được công ty bảo hiểm giải thích rõ về hậu quả của việc mua - bán bảo hiểm sai hay chưa để sớm ngăn ngừa sai phạm, tránh để đến khi xảy ra rủi ro, chỉ có đại lý và khách hàng hứng chịu. Đồng thời, cần xem xét các quy định hiện hành, cơ chế hoạt động, cơ sở hạ tầng tại các công ty bảo hiểm cũng như của ngành tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm đã đủ công cụ để giám sát, bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm (đại diện của công ty bảo hiểm) hay chưa? Vai trò của lãnh đạo công ty bảo hiểm ở đâu?

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đưa tin tại những số báo trước đó, căn cứ vào cáo trạng, ngày 6/9/2019, Nguyễn Văn Khánh đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân y 108 và được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp thể nhú. Do muốn kiểm tra kỹ, Khánh ở lại bệnh viện để hôm sau khám lại, đồng thời thông báo bệnh tình cho vợ là Phan Thị Trang. Sau đó, Trang liên lạc với Vũ Thị Ngọc Hà và cùng thống nhất mua bảo hiểm cho Khánh để có tiền chữa bệnh, mà muốn vậy thì phải sửa thông tin cá nhân, bởi nếu công ty bảo hiểm phát hiện ra việc Khánh chẩn đoán bị ung thư sẽ không bán bảo hiểm.

Sau đó, cả hai cùng đến Bệnh viện Quân y 108 và cuối cùng được nhân viên tiếp đón và nhân viên tài chính của bệnh viện sửa thông tin đăng ký khám bệnh trên máy tính từ Nguyễn Văn Khánh sinh năm 1987, trở thành Nguyễn Văn Khanh sinh năm 1988.

Sau khi sửa thông tin, Hà cùng Trang và Khánh đã thống nhất mua bảo hiểm cho Khánh tại nhiều công ty. Trong đó, Hà hướng dẫn việc mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Aviva Việt Nam (nay là MVI Life), nơi Hà làm tư vấn viên. Với những công ty bảo hiểm khác, Hà đã liên hệ với tư vấn viên làm thủ tục và nộp phí mua bảo hiểm.

Từ ngày 17/9/2019 đến 19/2/2020, Khánh và Hà đã lập 27 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh tại 16 công ty bảo hiểm. Có 19 hồ sơ yêu cầu được các công ty bảo hiểm chấp nhận phát hành 19 hợp đồng bảo hiểm.

Khi hành vi sai phạm bị phát hiện, có 7 hợp đồng được 5 công ty bảo hiểm chi trả bảo hiểm với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng, cụ thể là Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential, FWD, Hanwha Life và Dai-ichi Life. Trong tổng số 3,8 tỷ đồng chiếm đoạt được, 2 bị can Khánh và Trang hưởng lợi hơn 1,6 tỷ đồng, Hà chiếm hơn 2,1 tỷ đồng. Nếu tính tổng số tiền dự kiến chiếm đoạt (nếu trót lọt) sẽ là hơn 20 tỷ đồng.

Với hành vi sai phạm của Lê Đức Phong, theo cáo trạng, bị cáo này đã tự ý cho tạm dừng kết luận khám sức khỏe của Khánh để khám lại; sau khi được Hà liên hệ, Phong đã cung cấp bản photo kết quả khám sức khỏe của Khánh để làm 15 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh tại 10 công ty bảo hiểm là Prudential, Aviva, Dai-ichi Life, AIA, Bảo hiểm Bảo Việt, Cathay Life, Generali, Liberty, MB Ageas, Manulife và Sun Life. Trong đó, có 9 công ty bảo hiểm đã phát hành 11 hợp đồng bảo hiểm cho Khánh, 3 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bị AIA, Sun Life từ chối phát hành do Khánh không khám sức khỏe định kỳ, 1 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bị MB Ageas từ chối phát hành do kê khai sức khỏe không trung thực.

Tin bài liên quan