Triệt cát tặc, thị trường nóng như lửa
Thị trường cát xây dựng tại TP.HCM chủ yếu cung cấp từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, huyện Củ Chi. Nguồn cát này được biết do các chủ tàu hút từ các nhánh sông Đồng Nai, Sài Gòn… Sau đó, các đầu nậu thu gom lại và vận chuyển vào TP.HCM bán cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, các địa phương như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và cả Long An đều tuyên bố mạnh tay với “cát tặc”, trong đó tỉnh Đồng Nai xử lý mạnh tay nhất với hàng loạt vụ bắt cát tặc, đây cũng là tỉnh có nguồn cát lớn nhất cung cấp cho thị trường xây dựng TP.HCM cùng một số tỉnh lân cận khác.
Đơn cử như ngày 21/4 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa bắt quả tang 3 ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai.
Trước đó, ngày 16/3, Tổ công tác thuộc Thủy đoàn 3, Cục CSGT tỉnh Đồng Nai đã mật phục bắt 5 ghe hút cát trái phép trên sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa), tạm giữ 4 đối tượng, 1 ghe bơm hút cát vỏ sắt và 1 ghe vận chuyển chứa khoảng 25m3 cát….
Giá cát tăng mỗi ngày, khách hàng đi mua không có, muốn có cát phải đặt cọc trước và ngày hôm sau mới có cát
- Ông Long, một chủ vựa cát trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7
Được biết, các chiến dịch vây bắt này do lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trực tiếp chỉ đạo bởi tỉnh cho biết, đây là vấn đề nóng trong thời gian qua của tỉnh. Các tàu hút cát làm ảnh hưởng rất nhiều tới lưu lượng dòng chảy, ô nhiễm môi trường và cả vấn đề trật tự trị an trên địa bàn…
TP.HCM cũng siết chặt việc khai thác tàu cát trên các sông của Thành phố. Trong đó, báo cáo từ Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, năm 2016 đơn vị này đã bắt hàng chục vụ hút cát lậu trên các con sông tại TP.HCM.
Cũng chính vì mạnh tay với nạn hút cát trên sông mà tình trạng này đã giảm mạnh, nhưng kéo theo đó là giá cát tại thị trường bắt đầu tăng cao, nhà thầu xây dựng và người dân phải mua giá đắt.
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên trong vai người đi mua cát, dạo một vòng quanh các vựa cát và cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM mới thấy, thời điểm này giá cát tăng cao, dù nhu cầu luôn nhiều nhưng mặt hàng cát lại luôn thiếu, chính vì vậy các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đua nhau hét giá.
Trên đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Văn Sáu, chủ Cửa hàng vật liệu xây dựng Sáu Tuấn cho biết hiện giá cát vàng để làm hồ xây tô lên đến 580.000 đồng/m3, trong khi cách đó một tháng chỉ khoảng 280.000 đồng/m3. Cát san lấp từ hơn 90.000 đồng/m3 nay tăng lên hơn 200.000 đồng/m3.
“Giá cát tăng mỗi ngày, khách hàng đi mua không có, muốn có cát phải đặt cọc trước và ngày hôm sau mới có cát”, ông Sáu cho hay.
Tìm tới đường Nguyễn Xiển, quận 9, TP.HCM. Ở đây có nhiều bãi cát nhất Thành phố, các ghe hút cát thường về đây tập kết cát vào bãi, nhưng chủ các bãi cát tại đây cho biết thay vì như năm ngoái, mỗi bãi luôn có từ 3 đến 6 đống cát lớn để cung cấp hàng ngày cho thị trường thì nay chỉ có thể cầm chừng mỗi bãi 1 tới 2 đống, mỗi đống khoảng 1.000 khối.
“Các tàu hút cát giờ không dám ra sông hút bởi chỉ cần nghe tiếng máy nổi ở sông là cảnh sát đường sông tới bắt ngay. Chính vì vậy, giá cả độn lên cao ngất ngưởng, thậm chí có nhiều chủ thầu xây dựng tìm tới tận bãi, chấp nhận trả cao hơn giá bán cho các cửa hàng vật liệu nhưng chúng tôi vẫn không có đủ cát bán. Không phải mình ém hàng để đẩy giá mà thực sự không có cát để bán”, ông Trần Đức Trinh, một chủ bến cát tại đường Nguyễn Xiển nói.
Một chủ bãi cát khác trên đường Nguyễn Xiển cho biết, hiện giá cát đang dao động từ 500.000 - 540.000 đồng/m3 cát vàng xây dựng, cát san lấp thì cũng gần 100.000 đồng/m3. Nhưng giờ cát vàng rất khan hiếm, chỉ còn cát đen.
Ông Long, một chủ vựa cát trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 cho biết, nguyên nhân khiến cát tăng giá, khan hàng bởi thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã mạnh tay với cát tặc, thêm vào đó các điểm được cấp phép khai thác, nạo vét cũng tạm dừng để rà soát lại nên nguồn cung giảm đi nhiều.
“Cát xây dựng tăng hơn 200%, cát san lấp tăng khoảng 20% chỉ trong vòng khoảng một tháng nay”, ông Long cho biết.
Lối ra nào?
Ông Hồ Ngọc Liệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Biên Hòa cho biết, chính vì giá tăng nhiều công trình xây dựng của công ty ông đang trong tình trạng xây dựng cầm chừng. Ngoài ra, công ty ông đang phải chịu lỗ rất lớn ở những công trình ký trước khi giá cát tăng.
“Giá cát cao, lại không đủ đáp ứng xây dựng, mỗi lần phía cung cấp vật liệu chỉ chở một tới 2 xe cát, trong khi công trình mỗi ngày cần khoảng 3 xe lớn. Giá lên cao, trong khi ký với khách hàng hợp đồng giá chỉ 450.000 đồng/m3 cát vàng, giờ lên tới 580.000 đồng/m3, nhà thầu phải tự bù tiền… Tình cảnh này vì chính quyền các địa phương lo bắt cát lậu, nhưng quên lo cách nào cung cấp nguồn cát cho người dân và công ty xây dựng, kết quả doanh nghiệp và người dân chịu thiệt nhất”, ông Liệp nói.
Một chủ thầu xây dựng tại quận Bình Thạnh thì cho biết, khan hiếm cát xây dựng đã làm chi phí xây nhà tăng lên khoảng 15%. Chưa kể, trước đây khi lấy vật liệu thường thanh toán gối đầu nhưng nay muốn mua cát phải thanh toán tiền trước. Chính vì vậy, chủ thầu đang “đau đầu” xử lý vụ giá cát “lên hương” khiến lợi nhuận công ty gần như không còn.
Không chỉ những công ty xây dựng nhỏ bị ảnh hưởng, nhiều công ty xây dựng lớn như Hòa Bình, Cofico, An Phong đều trong cảnh ngán ngẩm. Đại diện Công ty Xây dựng Cofico cho rằng, việc giá cát tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng và thị trường xây dựng nói chung. Để giải quyết tình huống, trước mắt, Công ty vẫn chủ động tìm các nguồn cung cấp cát trên thị trường để duy trì tiến độ thi công cam kết với khách hàng, mặc dù chi phí bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ngoài ra, các công ty xây dựng như Hòa Bình cũng đang tìm cách xử lý “khủng hoảng” thiếu cát bằng cách dùng đến cát nhân tạo, được tạo ra từ việc nghiền đá, như công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu... để thay thế cát. Ngoài ra, đơn vị này cũng cho biết đang tính đến phương án sử dụng vữa xây tô trộn sẵn để thay thế phương thức truyền thống cát + xi măng.
Tuy nhiên, thị trường cung ứng vữa trộn sẵn của Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của thị trường xây dựng do quy mô sản xuất của các đơn vị còn nhỏ và chi phí cao. Đơn vị có quy mô sản xuất lớn nhất là Xi măng Hà Tiên cuối năm trước cũng đã dừng hẳn dây chuyền sản xuất vữa khô đóng bao do đánh giá thấp tiềm năng phát triển vật liệu này của thị trường.
Ngoài ra, việc dùng cát nhân tạo cũng không hợp lý, chi phí vận chuyển xa cũng độn giá cát nhân tạo lên cao, chưa nói tới chất lượng công trình liệu có phù hợp…
Ông Trần Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Xây dựng Gia Phú tại TP.HCM cho rằng, việc bắt cát tặc mà các tỉnh làm là đúng, nhưng Nhà nước, chính quyền địa phương và ngay cả Bộ Xây dựng cần có hướng ra cho loại nguyên vật liệu rất thiết yếu này.
“Nếu các địa phương quyết tâm truy bắt cát tặc thì trước đó nên chuẩn bị vùng nguyên liệu cát cụ thể với trữ lượng lớn để cung cấp cho thị trường, đằng này lại không có được điều đó, chính vì vậy các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đua nhau đảy giá cát tăng, ảnh hưởng tới ngành xây dựng. Ngoài ra, khi nguồn cát tự nhiên dần cạn kiệt, tại sao Bộ Xây dựng không nghiên cứu loại cát nhân tạo để cung cấp cho thị trường, không nên để thị trường vật liệu xây dựng bị thả nổi như hiện nay, cũng vì bị thả nổi nên doanh nghiệp vật liệu xây dựng đua nhau dựa vào cảnh khan hiếm mà làm giá vật liệu”, ông Lâm nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com