Shopee cảnh báo các nhà bán hàng về việc không tăng giá bất hợp lý các mặt hàng y tế

(ĐTCK) Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo kết quả rà soát việc cung cấp hàng hóa phòng dịch Covid-19 trên các sàn thương mại điện tử, tập trung vào các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay, thuốc sát trùng... và phát hiện một số sàn thương mại điện tử Sendo.vn, shopee có nhiều gian hàng và sản phẩm liên quan cố tình tăng giá trục lợi.
Shopee cảnh báo các nhà bán hàng về việc không tăng giá bất hợp lý các mặt hàng y tế

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về thông tin này, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, Shopee đã chủ động rà soát toàn sàn và gỡ bỏ các đăng bán có mức giá cao bất thường so với giá thị trường liên quan đến khẩu trang/các mặt hàng thiết yếu trong công tác phòng dịch; đồng thời triển khai quy trình kiểm soát tự động bằng từ khóa đối với các đăng bán mới có liên quan.

Sàn thương mại điện tử này cũng đã gửi tin nhắn cảnh báo cho tất cả các nhà bán hàng có liên quan về việc không tăng giá bất hợp lý các mặt hàng y tế. Các trường hợp cố tình vi phạm, nhân sự kiểm duyệt của công ty sẽ cương quyết gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm.

Ngoài ra, Công ty cũng đã thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể báo cáo các sản phẩm vi phạm đến Shopee để Công ty có biện pháp xử lý theo quy định.

Trong quá trình rà soát thường kỳ hoặc khi nhận được phản ánh có căn cứ về thông tin đã cung cấp của người bán hoặc sản phẩm vi phạm, Công ty sẽ tạm khoá sản phẩm/tài khoản người bán có nghi vấn và yêu cầu người bán cung cấp các tài liệu/chứng từ có liên quan. Tuỳ từng trường hợp, Shopee sẽ có các mức độ xử lý khác nhau đối với các vi phạm của nhà bán hàng, từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn.

Trong khi đó cũng trao đổi về vấn đề này,  đại diện Sendo.vn cho biết, hiện tại Sendo vẫn đang làm việc với các ban/ngành có liên quan. Được biết, các sàn thương mại điện tử như: Lazada.vn, Tiki.vn, chotot.com, vatgia.com, fado.vn, bibomart.com.vn... chủ động rà soát các gian hàng các sản phẩm, hàng hóa lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.

Trước đó, liên quan đến các giao dịch những mặt hàng đang được coi là “sốt” trên sàn thường mại, một khách hàng cũng than phiền đã đặt mua nước rửa tay thành công trên Tiki và thanh toán theo nghĩa vụ của người mua chỉ chờ hàng ship tới thì 10 ngày sau thứ nhận được lại là tin nhắn Hủy đi kèm lời hứa sẽ tặng kèm voucher. Khách hàng này cũng không phải trường hợp cá biệt khi thực hiện giao dịch thành công mà hàng không nhận được.

Tin bài liên quan