Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

SHBS sẽ tiến chậm mà chắc

(ĐTCK) Từ tháng 9, TTCK Việt Nam có thêm một thương hiệu mới, CTCK SHB (SHBS). Trò chuyện với những người đang gây dựng SHBS mà tiền thân là CTCK Habubank mới thấy việc tái cấu trúc một CTCK không hề đơn giản, dẫu vậy người đối diện có một cảm giác chắc chắn rằng con đường họ đi sẽ đến đích. Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc SHBS chia sẻ với ĐTCK.

Thương vụ sáp nhập Ngân hàng Habubank vào SHB đã rất nổi đình nổi đám, song thị trường lại rất ít thông tin về sự ra đời của cái tên SHBS. Ông có thể nói đôi điều về cái tên CTCK mới?

Khi SHB nhận Habubank, ngân hàng cần rất nhiều nhân sự có trình độ để tham gia công việc tái cấu trúc, trong hệ thống các công ty thành viên của Habubank có CTCK Habubank. Chúng tôi được giao tiếp nhận quản lý CTCK HBB với mục tiêu đặt ra là đưa Công ty hoạt động hiệu quả, xây dựng thương hiệu tốt và sẽ niêm yết trên TTCK. Lâu dài, SHB sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCK từ 98,47% hiện nay xuống còn 50-60%. Ngày 28/8, ĐHCĐ của HBB đã được tổ chức và đồng thuận bầu HĐQT mới cũng như đổi tên thành CTCK SHB (SHBS). Chúng tôi quyết định lấy cái tên này để tạo ra sự thống nhất trong nhận diện thương hiệu và tận dụng được tối đa sự lan tỏa của thương hiệu ngân hàng mẹ, SHB. Hiện hồ sơ xin đổi tên CTCK đã được chúng tôi trình lên UBCKNN và các cơ quan khác, dự kiến sẽ sớm được chấp thuận để có thể chính thức công bố ra thị trường.

 

Thương hiệu CTCK HBB rất mờ nhạt, vậy hoạt động của họ ra sao hay nói một cách khác, hiện các ông có gì trong tay?

Nếu trên thị trường có thể chia các CTCK mờ nhạt  thành 2 nhóm gồm những CTCK đã từng trong top 10 nhưng nay  rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và nhóm CTCK dường như không làm gì thì HBBS không thuộc dạng như vậy. HBBS cũng như ngân hàng mẹ, nền tảng cơ bản tốt nhưng ngày càng đi xuống do yếu tố quản trị và năng lực điều hành thực sự có vấn đề. 2 năm nay, HBBS không có Tổng giám đốc, chủ yếu hoạt động phục vụ ngân hàng mẹ. Công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 5 năm qua có lãi, riêng 6 tháng đầu năm nay, tôi đã yêu cầu trích lập dự phòng đầy đủ nên lỗ 23 tỷ đồng.  Công ty có 10.000 tài khoản, trong đó 4.000 tài khoản có số dư và 1.000 tài khoản thường xuyên giao dịch. Tuy nhiên, bộ máy nhân lực thì rất yếu, công ty hiện có 50 người, những khối làm ra tiền như môi giới, đầu tư, tư vấn, phân tích thì hầu như không còn.

 

Có thể nói SHBS sẽ phải làm lại từ đầu, vậy bước đường tái cấu trúc của công ty sẽ như thế nào, thưa ông?

Sau khi đổi tên, chúng tôi sẽ thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng. SHBS chủ trương “phải sống đã rồi mới tính đến chuyện sống thế nào”, cụ thể hơn là chúng tôi sẽ tập trung vào những dịch vụ, nghiệp vụ tạo ra tiền. Bộ máy của SHBS được xây dựng lại với quy mô nhỏ gọn, linh hoạt, một người có thể đảm nhận được nhiều việc, ngoài quản lý, lãnh đạo cũng là những người tác nghiệp thực sự, lăn lộn với công việc chuyên môn trực tiếp chứ không có kiểu làm việc salon. Môi giới, tư vấn và đầu tư là 3 hoạt động được tập trung để tạo tiền cho Công ty. Đồng thời, tôi quan niệm, trong giai đoạn này tiết kiệm được một đồng chi phí là tăng được một đồng doanh thu.

 

CTCK nào cũng trông vào 3 hoạt động trên, quyết liệt như vậy, các ông sẽ cạnh tranh bằng cách nào?

Về hoạt động môi giới, chúng tôi sẽ duy trì chất lượng tốt để phục vụ các nhà đầu tư hiện gắn bó với công ty và từng bước mở rộng hơn. Với mảng tư vấn, hiện công việc cho SHBS không thiếu khi SHB đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện, trong đó có những phần việc như tham gia tái cấu trúc Bianfishco, dựng sổ, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư cho các phương án huy động vốn của DN… Còn với hoạt động đầu tư, nếu tăng vốn thành công, chúng tôi sẽ có khoảng 200 tỷ đồng để tham gia thị trường ở vùng giá thấp như hiện nay.

Đây sẽ là một lợi thế rất lớn so với những CTCK đã đầu tư trước đây và đang kẹt hàng giá cao.

 

Tôi nhớ không nhầm thì thời gian ông lãnh đạo 3 CTCK là  SHS, HPC và MSBS không có công ty nào lỗ. Kinh nghiệm và kỹ năng điều hành theo ông có phải là yếu tố quan trọng để xây mới lại một CTCK?

Có lẽ tôi là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây mới và vận hành một CTCK, có khả năng giải được những bài toán ngắn hạn. Tuy nhiên, làm gì cũng cần một đội ngũ, nhất là việc tái cấu trúc một CTCK trong giai đoạn hiện nay thì không hề đơn giản. Chúng tôi đặt ra kịch bản phải sống và duy trì được đến năm 2015, chờ cơ hội để bứt phá.

Với thực trạng này, năm 2012, SHBS sẽ lỗ, song năm 2013 sẽ cố gắng hòa vốn và tiến tới có lãi từ năm 2014. Thị trường chứng khoán đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và cả độ nhạy cảm, quyết đoán, đặc biệt là không tham lam. Với những gì có trong tay, cũng như được sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ, chúng tôi tin mình sẽ tái cấu trúc thành công SHBS và tạo dựng được một thương hiệu tốt trên thị trường.