Qua đó, SHB sẽ nâng tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành từ hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lên hơn 1,45 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 14.546 tỷ đồng.
Bên cạnh phương án chia cổ tức trên, vừa qua, SHB cũng đã có phương án phát hành 300,78 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1, tức 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền, cứ 4 quyền được mua 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/CP.
Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm từ ngày 17/2 đến ngày 9/3, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 17/2 đến ngày 13/3/2020.
Trong tổng số hơn 5.500 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, SHB dự kiến sẽ dùng hơn 4.684 tỷ đồng để mở rộng quy mô cho vay, còn lại 850 tỷ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính năm 2019, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.077 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước và vượt nhẹ kế hoạch. Tổng tài sản đạt hơn 365.643 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,4% đầu năm xuống còn 1,8%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm đạt 2.587 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ SHB, ngày 16/3 tới đây, Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Đại hội dự kiến sẽ được tổ chức ngày 28/4/2020, tại Khách sạn Melia, số 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Trên thị trường, cổ phiếu SHB đã có phiên giao dịch bùng nổ ngày 26/2. Trong khi thị trường chìm sâu trong sắc đỏ thì SHB lại tăng vọt gần 9,6% và kết phiên tại mức giá trần 8.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 30,5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.