Xử lý nợ xấu của SHB đã được tiến hành một cách khá hiệu quả

Xử lý nợ xấu của SHB đã được tiến hành một cách khá hiệu quả

SHB có thành “ông lớn”?

Năm 2012, thị trường mua bán, sáp nhập ngân hàng chỉ ghi dấu hai thương vụ thành công (Doji rót vốn vào TienPhong Bank và Habubank sáp nhập vào SHB), nhưng những thành công và thất bại trên thị trường này được xem là bài học quý cho các ngân hàng sắp tái cơ cấu.

Ồn ào nhất trên thị trường mua bán, sáp nhập ngân hàng năm 2012 là thương vụ Habubank sáp nhập vào SHB. Lộ trình sáp nhập của hai ngân hàng này nhanh hơn dự kiến nhờ sự chuẩn bị bài bản, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho SHB trước khi biến thành một ngân hàng lớn.

 

Hành trình xử lý nợ xấu

Habubank sáp nhập vào SHB là thương vụ sáp nhập đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam theo lộ trình tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai. Trước khi sáp nhập, SHB là ngân hàng bậc trung trên thị trường với quy mô vừa phải. Tuy nhiên, các mức tăng trưởng mà ngân hàng này đạt được rất khả quan. Cụ thể, đến hết năm 2011, lợi nhuận của SHB đạt 970 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2010, tiền gửi khách hàng tăng 36%, tín dụng tăng 20%. Đặc biệt, nợ xấu của SHB thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành ngân hàng, chỉ 2,1%.

Theo đề án sáp nhập, xử lý và thu hồi nợ xấu của Habubank là trọng tâm giai đoạn đầu hậu sáp nhập. Do quy mô của SHB trước sáp nhập không lớn, nhiều người nghi ngờ về khả năng xử lý nợ xấu của SHB, bởi số nợ xấu mà Habubank để lại rất lớn, tương đương vốn điều lệ của ngân hàng này (3.729 tỷ đồng). Việc gánh một khoản nợ xấu khổng lồ này, đòi hỏi SHB phải xử lý quyết liệt, nếu không muốn “chìm” theo Habubank. Bằng chứng của sự lo lắng này là, trước khi sáp nhập, SHB đang lãi 600 tỷ đồng, thì sau 1 tháng sáp nhập, đã lỗ tới 1.105 tỷ đồng. 

Thế nhưng, những động thái liên tiếp được SHB đưa ra thời gian qua cho thấy, ngân hàng này rất kiên quyết trong thu hồi nợ xấu. Ngay trong tháng đầu tiên sau sáp nhập, SHB đã thu hồi được 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị của Habubank cũ. Đến nay, số nợ xấu được thu hồi đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Việc ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT của SHB điều chuyển nguyên Tổng giám đốc của Habubank xuống làm nhân viên thu hồi nợ xấu, đồng thời trực tiếp tham gia tái cơ cấu Công ty Thủy sản Bình An là những ví dụ điển hình cho việc thu hồi nợ quyết liệt của SHB.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB tự tin: “Hiện nay là 13%. Chúng tôi có căn cứ để tin tưởng về khả năng đưa tỷ lệ nợ xấu riêng Habubank về dưới 10% trong năm 2012. Chúng tôi quyết tâm không bị lỗ năm 2012, còn nếu có lãi là tuyệt vời”.

Trên thực tế, khoản nợ xấu của Habubank khá lớn, song lại có điểm thuận tiện là khá tập trung, chủ yếu ở 50 khách hàng lớn. Nhóm khách hàng này được SHB đánh giá là có thị trường tốt, đầu tư cơ bản có quy mô, đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, nhưng bị thua lỗ, vì trong quá khứ chi phí vốn cao, quản trị kém. Do đó, với sự tham gia tái cấu trúc của SHB, khả năng phục hồi của những doanh nghiệp này là khá lớn, mà Công ty Thủy sản Bình An là một ví dụ.

Dù khả năng lãi trong năm 2012 không cao, song việc cân bằng lỗ lãi với SHB trong năm nay là rất khả thi, bởi đến nay, hầu hết các khoản trích lập dự phòng rủi ro đã được thực hiện đầy đủ.

 

Vẫn còn rủi ro tiềm ẩn

Có thể nói, việc xử lý nợ xấu của SHB - tâm điểm của sáp nhập, đã được tiến hành một cách khá hiệu quả. Việc tích hợp công nghệ giữa hai ngân hàng diễn ra nhanh chóng, khâu hợp nhất giấy tờ cũng rất bài bản.

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, ngay khi có chấp thuận sáp nhập nguyên tắc của NHNN, SHB đã thành lập Ban chuyển giao (thuộc Habubank) và Ban tiếp nhận (thuộc SHB). Chủ tịch 2 ban là Chủ tịch HĐQT của 2 ngân hàng; Phó chủ tịch thường trực điều hành là Tổng giám đốc của 2 ngân hàng, còn thành viên là các tiểu ban chuyên môn tất cả các hoạt động, nghiệp vụ và cho triển khai trên toàn hệ thống Habubank. SHB đã cử tới 300 người thực hiện đối chiếu công nợ với từng khách hàng. Do đó, tất cả công nợ của Habubank đã được SHB nắm chắc, không bỏ sót khoản nào.

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, việc sáp nhập Habubank được SHB tính toán rất kỹ càng. Do đó, những bất ổn mà SHB gặp phải thời gian đầu không lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu ngân hàng không kịp nâng cấp năng lực quản trị để theo kịp sự phình to của bộ máy, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh. Chưa kể, một rủi ro âm ỉ khác là sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp và nhân sự của hai bộ máy. Nếu các yếu tố này chưa được dung hòa, những xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Ông Đỗ Quang Hiển khẳng định: “Một khi về ở với nhau, những khúc mắc, bất đồng giữa hai bên là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, SHB đã xây dựng một cơ chế điều hành minh bạch, công bằng, khuyến khích những cá nhân có năng lực, có khả năng phát triển”. Tuy nhiên, với thân phận “bị sáp nhập”,  tâm lý nhân viên Habubank (cũ) không ít bất an.

Dù ở khía cạnh nào cũng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của thương vụ Habubank sáp nhập vào SHB. Trước mắt, chỉ có thể nói, ngân hàng này đã thành công bước đầu trong xử lý nợ xấu. SHB vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong hành trình trở thành một “ông lớn” trong thị trường ngân hàng.

Tuy nhiên, lộ trình sáp nhập cực kỳ nhanh chóng của SHB đã rút ra nhiều bài học quý báu cho các thương vụ M&A ngân hàng sắp tới. Đó là, sự công khai của Chủ tịch HĐQT hai bên, sự công khai, minh bạch về số liệu, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lộ trình, sự nâng cấp năng lực quản trị, việc lên kế hoạch sắp xếp lại bộ máy, nhân sự sau sáp nhập để tránh xáo trộn, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước…