Share phòng phổ biến ở các nước phương Tây. Ảnh: Gia Huy

Share phòng phổ biến ở các nước phương Tây. Ảnh: Gia Huy

“Share phòng”, chiêu kinh doanh mới của chủ nhà đơn thân

(ĐTCK) Mua căn nhà, căn hộ chung cư có diện tích lớn với nhiều phòng ngủ, nhưng chỉ sử dụng 1 phòng ngủ, nhiều chủ nhà đã nghĩ tới chiêu kinh doanh “share (chia sẻ) phòng” để kiếm thêm thu nhập. Với thành công của người đi trước, mô hình này bắt đầu lan rộng tại TP.HCM.

Xu hướng từ nước ngoài

Share phòng cho thuê là kênh kinh doanh không còn xa lạ trên thế giới, đặc biệt là các nước như Mỹ, Anh… Khi chủ nhà mua căn hộ với diện tích lớn, nhiều phòng ngủ, mà nhu cầu sử dụng không nhiều, thì chủ nhà sẽ đăng thông báo cho thuê phòng. Khách cũng sẽ là những người đơn thân, ít đồ đạc tới thuê và sống chung với chủ nhà như một thành viên trong gia đình.

Người thuê được nhà ở thỏa mái, đầy đủ tiện nghi, còn chủ nhà đỡ buồn khi phải sống một mình, lại có thêm khoản thu nhập từ việc cho thuê lại căn phòng không dùng tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình này khá mới mẻ và thực sự xuất hiện nhiều từ năm 2015 tới nay.

Ông Nguyễn Mạnh Tân, ngụ quận 7 TP.HCM, một người cho thuê theo kiểu share phòng cho biết, xu hướng này được những du học sinh đem về áp dụng.

“Trước kia tôi du học tại Mỹ, tôi cũng share phòng với một người bản địa. Căn phòng chỉ rộng 10 m2, nhưng hàng tháng tôi phải trả 200 USD. Sau khi về Việt Nam, tôi mua một căn nhà, 2 lầu, 4 phòng ngủ tại quận 7. Tuy nhiên, tôi chỉ ở 1 phòng, nên share 3 phòng còn lại cho 3 bạn khác ở cùng”, ông Tân nói.

Cũng theo ông Tân, việc tìm người ở cùng phải được lựa chọn rất kỹ để chắc chắn sẽ không có chuyện xấu xảy ra. Chính vì vậy, khi lựa chọn người ở cùng, ông cũng lựa chọn chủ yếu là bạn bè đã quen biết.

Mua một căn hộ chung cư tại quận 2, chị Thúy, hiện đang làm việc tại quận 1 cho biết, căn hộ có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách, ở một mình thì buồn, nên chị thông báo share phòng trên
facebook và chỉ trong 2 ngày, chị đã có được 1 người ở cùng với số tiền thuê là 3 triệu đồng/tháng.

“Số tiền này không nhiều, nhưng đủ để tôi trả phí chung cư, tiền điện nước và một số khoản khác. Cái quan trọng nhất là khi đi làm về có người nói chuyện và tâm sự khi buồn vui, nấu ăn cùng…”, chị Thúy nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn An Ninh, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, anh thuê căn nhà với diện tích 72 m2, anh chỉ ở 1 phòng, còn 3 phòng khác anh đăng thông tin cho thuê lại.

“Giá căn nhà tôi thuê là 7 triệu đồng/tháng, tôi cho thuê mỗi phòng 2 triệu đồng, vậy là mỗi tháng tôi chỉ mất 1 triệu đồng tiền nhà. Nhưng tôi phải bỏ một khoản tiền đặt cọc cho chủ nhà…”, anh Ninh kể.

Xu hướng cho người đơn thân

Một nghiên cứu mới đây của CBRE Việt Nam ghi nhận, tiềm năng cho thuê nhà hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… là rất lớn. Các đơn vị phân phối bất động sản TP.HCM cũng ghi nhận rất nhiều dự án mới tung ra hấp dẫn người mua là nhờ yếu tố cho thuê lại.

Theo một nhà phân phối bất động sản, khác với thời điểm “sốt”, người mua chủ yếu là để bán sang tay, nay người mua phần lớn có mục đích để ở, hoặc để đầu tư cho thuê lại. Họ xem đây như 1 kênh bảo toàn vốn an toàn, vì giá nhà hầu như khó giảm thêm nữa.

“Share phòng”, chiêu kinh doanh mới của chủ nhà đơn thân ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Toàn, giảng viên ngành kinh tế - kế hoạch - đầu tư tại TP.HCM cho rằng, đây là một điểm mới cho ngành địa ốc. Khi người trẻ có thu nhập cao ngày càng gia tăng, nhu cầu mua căn hộ giá khoảng 1 - 3 tỷ đồng để ở đang tăng lên. Nhưng với căn nhà quá lớn, họ sẽ share phòng với người khác.

Những người thuê nhà dạng này thường là người đi làm, có thu nhập ổn định, nhưng chưa có điều kiện mua nhà, lại không muốn ở tại những khu nhà cho thuê xập xệ và tồi tàn.

Tuy nhiên, nhiều cảnh báo cho loại hình share phòng này, đó là việc lựa chọn người ở cùng nhà phải rất kỹ, phải hiểu rõ người thuê, có giấy tờ tùy thân và chỗ làm việc của họ để biết được họ có phải người tốt hay không.

Chị Bùi Thanh Tuyết, ngụ quận Phú Nhuận kể, chị có căn nhà ở đường Lê Văn Sỹ, vì ở một mình nên chị cho share lại 2 phòng ngủ. Đồ đạc trong nhà chị cho dùng chung, khi cho share phòng, chị chỉ kiểm tra chứng minh nhân dân.

“Lúc đầu bạn gái tới xin ở cùng nói đang làm tại công ty nước ngoài ở quận 1, đưa chứng minh nhân dân để đăng ký tạm trú tạm vắng, nhưng ở được 15 ngày thì bạn đó biến mất cùng toàn bộ đồ đạc trong nhà. Tìm tới địa chỉ chứng minh nhân dân của bạn gái kia thì hóa ra chứng minh nhân dân này là giả”, chị Tuyết kể.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan