ĐHCĐ của CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) vừa thông qua quyết định hủy niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Trả lời báo giới ngay sau thông tin trên, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT SGT cho biết, lý do là TTCK thời gian qua đã mất đi vai trò kênh dẫn vốn. Thêm một lý do nữa là giá cổ phiếu SGT đã xuống quá thấp, thậm chí giá thị trường còn thấp hơn cả một miếng đất “cỏn con” của SGT. Vì thế, SGT không còn động lực để ở lại thị trường.
SGT không thể huy động được vốn trong khi giá cổ phiếu về mức 7.200 đồng/CP (ngày 27/4) nên SGT muốn “rời cuộc chơi” cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, diễn biến giá cổ phiếu chỉ nói lên động thái của nhà đầu tư đối với cổ phiếu đó, không liên quan trực tiếp đến tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của Công ty. Vì thế, nếu nói giá cổ phiếu giảm mạnh, ảnh hưởng đến danh tiếng công ty thì không chuẩn xác.
Doanh nghiệp hủy niêm yết là tự cắt đứt cơ hội tiếp cận vốn từ TTCK. Hiện tại, TTCK chưa làm tốt vai trò dẫn vốn, nhưng khi khó khăn qua đi, thị trường sẽ mang đến những cơ hội mới. Trong bối cảnh đó, giả sử SGT muốn niêm yết trở lại thì những thủ tục mất thời gian và công sức sẽ làm “vướng chân” SGT, không cho Công ty cơ hội tiếp cận vốn tốt nhất.
Chưa kể, tự hủy niêm yết, dù với lý do gì thì SGT vẫn tạo một ấn tượng “sợ ra gió”. Vì sau khi hủy niêm yết, SGT sẽ không còn phải chịu những quy định ràng buộc của một công ty niêm yết. SGT cũng tránh được sự giám sát, chất vấn từ thị trường. Không phải tuân thủ những điều kiện trên sàn, SGT vô tình đánh mất “thứ bậc” đã tạo dựng khi trở thành công ty niêm yết.
Trước những tác động không mong muốn từ việc hủy niêm yết, nhưng ĐHCĐ vẫn thông qua kế hoạch hủy niêm yết có thể vì nguyên do sâu xa hơn. Có thể SGT đã không còn tạo được sự chú ý nơi nhà đầu tư. Nếu đúng theo giả thiết này thì việc SGT xin rời sàn để củng cố lại nội lực là hành động “đi trước một bước”.
Thực tế, các chỉ số tài chính của SGT đã không còn hấp dẫn. Năm 2010, ROE của SGT khoảng 4%, ROA nhỉnh hơn 1%, EPS khoảng 440 đồng. So với quy mô vốn 740 tỷ đồng thì các chỉ số này không tương xứng. Nhìn sâu thêm, hiệu quả hoạt động của SGT đang giảm dần. Biểu hiện cụ thể là lợi nhuận sau thuế của SGT năm 2010 chỉ đạt 32,4 tỷ đồng. Nếu so với các mức lợi nhuận 80,9 tỷ đồng năm 2009, 73,4 tỷ đồng năm 2008 và 136,6 tỷ đồng năm 2007 thì lợi nhuận năm 2010 đã suy giảm khá nhiều. Năm 2011, SGT vừa công bố quý I lỗ 10,31 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của SGT, tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm nghiêm trọng, từ 449,4 tỷ đồng năm 2009 xuống 6,4 tỷ đồng năm 2010. Khoản phải thu ngắn hạn của SGT lại tăng gấp đôi, từ 252,9 tỷ đồng năm 2009 lên 510,2 tỷ đồng năm 2010. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ 2 lần.
SGT còn là đơn vị mạnh tay trong đầu tư tài chính dài hạn, với tổng mức đầu tư cuối năm 2010 là 787,8 tỷ đồng. Trong đó có những khoản đầu tư mới “nặng ký” như đầu tư chiến lược vào CTCP Đầu tư phát triển Nhà máy Điện Sài Gòn - Bình Thuận (203 tỷ đồng); rót thêm 94 tỷ đồng vào NHTMCP Phương Tây, nâng mức đầu tư ở ngân hàng này lên 302,1 tỷ đồng.
SGT đầu tư tài chính nhiều nên doanh thu từ hoạt động tài chính tăng từ 15,1 tỷ đồng năm 2009 lên 61,4 tỷ đồng năm 2010. Tuy nhiên, khoản chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay tăng lên 33,3 tỷ đồng, gấp 9,2 lần năm 2009 đã khiến lợi nhuận của SGT bị ảnh hưởng.
Quan trọng hơn, sự sụt giảm lợi nhuận của SGT năm 2010 chủ yếu đến từ giá vốn quá cao. Năm 2010, doanh thu của SGT tăng so với năm 2009, nhưng vì giá vốn chiếm hơn 95% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn lại không đáng kể.
Trước tình hình đó, SGT buộc phải tái cấu trúc. Sự chuyển đổi này, theo chia sẻ của ông Tâm, là thay đổi toàn diện. Trước mắt, SGT sẽ tham gia sâu hơn vào mảng viễn thông và dự tính liên doanh với đối tác để sản xuất thiết bị điện tử viễn thông.
Báo cáo thường niên năm 2010 của SGT cũng đã xác định, SGT sẽ tập trung đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, nhằm nắm bắt cơ hội mới. Cụ thể, Luật Viễn thông có hiệu lực từ 1/7/2010 đã cho phép doanh nghiệp ngoài quốc doanh được đầu tư và kinh doanh hạ tầng viễn thông.
Với định hướng này, theo ông Tâm, từ hoạt động đến nhân sự sẽ có những thay đổi căn bản, thậm chí có thể SGT phải nghĩ đến việc quên đi lợi nhuận trước mắt, vì mục tiêu phát triển dài hạn.
Ý định của SGT đã được cổ đông ủng hộ. Tuy nhiên, tại sao SGT tái cấu trúc lại cần phải hủy niêm yết? Trước câu hỏi này, ông Tâm cho rằng, vì khi niêm yết, mỗi quyết định quan trọng của doanh nghiệp đều phải làm thủ tục xin ý cổ đông, rất mất thời gian. Trong khi đó, tái cấu trúc là SGT sẽ phải thường xuyên thay đổi, thường xuyên ra quyết định. Nếu việc gì cũng đợi cổ đông thông qua, SGT lo mình không được chủ động, sẽ chậm trễ và để mất cơ hội.