“Sếu đầu đàn” nhập cuộc chơi xây đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
Sự nhập cuộc của các “sếu đầu đàn” như Vingroup, Techcombank, T&T, Him Lam sẽ giúp mục tiêu hoàn thành 5.000 km cao tốc vào năm 2030 có tính khả thi cao hơn.
Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Tín hiệu tích cực

“Chúng tôi đang khẩn trương rà soát lại các đề xuất của liên danh Tập đoàn Vingroup - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Dự án PPP đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) để sớm báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT)”, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Cần phải nói thêm, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chính là đơn vị đang được Bộ GTVT giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức PPP - một trong những phân đoạn dài nhất của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây với nhiều đoạn đi trùng với hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, việc liên danh Vingroup - Techcombank và SCIC tỏ ý quan tâm tới Dự án là một tín hiệu rất tích cực trong việc cụ thể hóa một trong những phân đoạn dài nhất của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây với nhiều đoạn đi trùng với hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh.

Trước đó, đầu tuần trước, Vingroup - Techcombank đã gây bất ngờ lớn khi có Văn bản số 0290/2022/CV - VGR - TCB gửi Bộ GTVT để đề xuất thực hiện Dự án PPP đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Bất ngờ bởi Dự án không chỉ có quy mô vốn đầu tư rất lớn, lên tới hơn 26.000 tỷ đồng cho việc xây dựng 207 km cao tốc 4 làn xe, mà còn có tính khả thi tài chính không cao, thời gian hoàn vốn có thể lên tới hơn 30 năm nếu không nhận được sự hỗ trợ sâu về tài chính của Nhà nước.

Trong văn bản có chữ ký của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank và ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup, liên danh này cho biết, sẽ tự bỏ kinh phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án do Vingroup - Techcombank lập không được phê duyệt, thì hai nhà đầu tư sẽ cam kết chịu mọi chi phí liên quan.

“Với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng của Vingroup và năng lực, nguồn vốn của Techcombank, chúng tôi cam kết sẽ triển khai việc thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án với phương án tối ưu, trong thời gian ngắn nhất nhằm đem lại hiệu quả cao nhất”, Công văn số 0290 nêu rõ.

Được biết, đây là lần đầu tiên Vingroup và Techcombank cùng đề xuất đầu tư vào một dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, liên danh này được đánh giá là có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và quản trị đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng mạnh nhất Việt Nam hiện nay, mở ra cơ hội rất lớn để sớm triển khai đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài nhất, nối Tây Nguyên với cửa ngõ vùng Đông Nam bộ.

Đón “sếu đầu đàn”

Một điều rất thú vị là Vingroup - Techcombank không phải là liên danh nhà đầu tư duy nhất quan tâm tới Dự án PPP đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Trước đó, SCIC cũng đã gửi một văn bản có nội dung tương tự tới Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản số 23/ĐTKDV.HĐTV, SCIC đề xuất Bộ GTVT sớm thực hiện bước “Khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án PPP” theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Nếu không có nhà đầu tư quan tâm, thì Bộ GTVT có thể trình Thủ tướng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 40, Luật PPP (trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Việc khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, theo SCIC, có thể thực hiện song song với quá trình lập dự án đầu tư, ngay sau khi chủ trương đầu tư Dự án PPP đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành được phê duyệt.

Được biết, Điều 40, Luật PPP quy định, trường hợp dự án PPP xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại các điều 37, 38 và 39 (gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư) của Luật này, cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Hiện chưa rõ việc lựa chọn các đơn vị tiếp tục triển khai Dự án PPP đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, sự nhập cuộc của các “sếu đầu đàn” như Vingroup, Techcombank… cho thấy sự “ấm lên” đáng kể của thị trường PPP hạ tầng giao thông sau một thời gian dài trầm lắng.

Trước đó, T&T cũng đã đăng ký xin lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức PPP; liên danh Hưng Thịnh - Đèo Cả xin đầu tư Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Đánh giá về việc kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia thi công, đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đó là một bước đi thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành giao thông để hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư xây hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay.

“Nếu sự hợp sức các doanh nghiệp trên được thông qua, thì sẽ mở ra một lộ trình và hướng đi mới nhằm hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025 là hoàn thành 5.000 km cao tốc mà Chính phủ đề ra”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp lớn trong nước như: Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Trường Thịnh, Vinaconex E&C, Hưng Thịnh… đã gửi đơn xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh hoặc nhận thầu với tư cách là tổng thầu độc lập tại một số dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tin bài liên quan