Chia sẻ này được lãnh đạo Saigon Coop chia sẻ tại tọa đàm "Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?" tổ chức ngày 29/9.
Kể lại câu chuyện chạy nước rút trong cuộc đua mua lại hệ thống Big C Việt Nam, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Co.op Mart chia sẻ, có nhiều yếu tố để quyết định việc lựa chọn người thắng trong bất kỳ thương vụ mua bán nào. Ngoài giá – yếu tố thường mang tính "chốt hạ" thì trong thương vụ Big C Việt Nam, chủ sở hữu hệ thống siêu thị này còn cân nhắc và đặt ra 2 yếu tố khác với đối tác mua.
Trước tiên về năng lực, khi doanh nghiệp nước ngoài bán thương hiệu họ cũng phải lựa chọn đơn vị mua có đủ sức vận hành hệ thống mà không ảnh hưởng đến thương hiệu của họ hay không? "Cái này Saigon Co.op khẳng định không thua kém Central Group", ông Hoàng Anh nói.
Yếu tố thứ 2 về thanh toán, thủ tục pháp lý, vận chuyển, vị Giám đốc Marketing Co.op Mart tiết lộ, Big C đã đặt ra một số điều kiện khiến Saigon Co.op rơi vào thế khó và không thực hiện được.
Không tiết lộ chi tiết các điều kiện cụ thể, nhưng ông Hoàng Anh cho hay, đây chính là lý do khiến Saigon Coop dù trả giá không kém đối tác ngoại, nhưng vẫn thất bại trong thương vụ mua lại Big C Việt Nam.
"Trước khi quyết định tham gia vào thương vụ này, chúng tôi đã đặt ra 2 kịch bản: thành công sẽ làm gì và nếu không thành công sẽ làm gì. Chúng tôi cũng xác định đâu là thế mạnh của mình để bảo vệ đến cùng, còn mảng yếu sẽ liên doanh, liên kết để phát triển. Tiếc là tới phút chót chúng tôi đã không thể sở hữu Big C Việt Nam do một vài điều kiện phía bán bán đặt ra, chứ không phải do thiếu tiền", ông Hoàng Anh giãi bày.
Vị này cũng cho hay, dù không sở hữu được hệ thống siêu thị lớn như Big C, song đây cũng là bài học để doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuẩn bị tốt hơn cho các thương vụ khác trong tương lai.
Bổ sung thêm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, trong thương vụ này Saigon Co.op đã rất thận trọng.
"Saigon Co.op đã dám đứng ra mua lại doanh nghiệp nước ngoài, câu chuyện đó rất dài, nhưng có thể thấy đơn vị đã đi đến bước cuối cùng. Saigon Co.op đã đi qua nhiều vòng, đến khi chỉ còn 3 đối thủ mà toàn những đối thủ lớn và nếu như không có những "trục trặc kỹ thuật" thì Saigon Co.op đã mua được thành công hệ thống của Big C", bà Loan đánh giá.
Bà Loan cũng cho rằng, cùng với cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài thì các vụ mua bán – sáp nhập (M&A) vừa qua, gần nhất là thương vụ Big C Việt Nam, đã thực sự làm sôi động thị trường bán lẻ. Và đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong vòng từ 3 đến 5 năm tới do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Saigon Co.op đã đi qua nhiều vòng, đến khi chỉ còn 3 đối thủ mà toàn những đối thủ lớn và nếu như không có những "trục trặc kỹ thuật" thì Saigon Co.op đã mua được thành công hệ thống của Big.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đi siêu thị, tác động của làn sóng M&A chắc chắn có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Còn đối với những doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường, việc mua bán sáp nhập là con đường tất yếu. "Nếu kênh mua bán của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhà bán lẻ này sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng phát triển ở thị trường Việt Nam", ông Hưng lo lắng.
Tuy nhiên, Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) khẳng định các thương vụ M&A vừa qua không tạo nên tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường với bán lẻ. "Tôi khẳng định lần nữa, không phải giao dịch M&A nào cũng bị kiểm soát tập trung kinh tế mà chỉ những giao dịch lớn của doanh nghiệp lớn mới bị vào diện kiểm soát tập trung" – bà Lan nói.