Hàng “hot” sàn HOSE
Trong phiên chào sàn hôm 24/3, ngay trong phiên sáng, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã tăng kịch trần 20%, lên mức 20.150 đồng/cổ phiếu, khối lượng lệnh dư mua giá trần trong phiên ATO lên tới trên 10 triệu đơn vị. Kết quả này đã đưa giá trị vốn hóa của SeABank đạt hơn 24.356 tỷ đồng, tương đương hơn 1,05 tỷ USD.
Hai phiên giao dịch kế tiếp, cổ phiếu SSB tiếp tục tăng trần và có dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Tính riêng phiên ATC chiều 26/3, khối lượng dư mua giá trần là 2,1 triệu cổ phiếu. Đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên, SSB đạt mức giá 23.050 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của Ngân hàng lên hơn 1,16 tỷ USD (khoảng hơn 27.862 tỷ đồng). Diễn biến này cho thấy sức hút của SSB với các nhà đầu tư là rất lớn.
Đâu là những yếu tố tạo ra sức hấp dẫn của cổ phiếu SSB?
Sau 27 năm phát triển, SeABank đã khẳng định được vị thế của một trong những ngân hàng tiêu biểu Việt Nam về quy mô vốn điều lệ (Top 10 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân), mức độ nhận biết thương hiệu, tốc độ tăng trưởng ổn định với mạng lưới hoạt động gần 180 điểm giao dịch, phục vụ gần 1,6 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã tin tưởng hợp tác với SeABank như: Kho bạc Nhà nước lựa chọn SeABank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên trong năm 2020 thực hiện triển khai thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử; SeABank cũng được kết nối với Tổng cục Hải quan triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.
Bên cạnh đó, SeABank được nhiều cơ quan nhà nước tin tưởng sử dụng dịch vụ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội…
Trong 3 năm liên tiếp vừa qua, SeABank được đánh giá là một trong 17 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng. Trong giai đoạn này, SeABank liên tiếp được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1, tương đương đánh giá SeABank có triển vọng phát triển ổn định.
Đặc biệt, SeABank là một trong 5 ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn, giúp Ngân hàng quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.
Năm 2020, bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, SeABank đã đa dạng hóa các nguồn thu để có mức tăng trưởng ấn tượng so với năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24%; tổng tài sản đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2019. Uy tín thương hiệu SeABank được nâng cao thể hiện qua tổng huy động thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng, tăng 18%; trong khi đó, Ngân hàng quản trị tốt rủi ro và giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống 1,86%.
Triển vọng sáng
SeABank tập trung đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực, 2 yếu tố tạo nên sức cạnh tranh quyết định cho các nhà băng trong giai đoạn mới.
SeABank tập trung đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực, 2 yếu tố tạo nên sức cạnh tranh quyết định cho các nhà băng trong giai đoạn mới.
Ngay từ năm 2006, khi mà nhiều nhà băng còn chưa quen với phần mềm quản trị lõi ngân hàng, thì SeABank đã mạnh tay đầu tư phần mềm lõi T24 Temenos trị giá nhiều triệu đô la, qua đó giúp các giao dịch luôn thông suốt, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Những năm sau đó, ngân hàng này liên tục nâng cấp hệ thống và hạ tầng công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hoá chi phí thông qua tự động hoá công tác vận hành của hệ thống và đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là việc ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile - trợ lý tài chính cá nhân với nhiều tính năng nổi bật thu hút đông đảo người dùng.
Triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm khách hàng tiếp tục là sợi chỉ đỏ trong định hướng đầu tư của năm 2021 của SeABank.
Theo đó, Ngân hàng đặt mục tiêu thực hiện số hoá hệ thống quy trình vận hành, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo vào vận hành, bổ sung thêm các tính năng hấp dẫn cho SeAMobile như cung ứng và phê duyệt tín dụng và các kênh đầu tư online; xây dựng tổng đài tự động chăm sóc khách hàng Callbot… 2021 sẽ là một năm chuyển đổi mạnh mẽ trong sự tương tác và mối quan hệ số hoá với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của SeABank.
Về nguồn nhân lực, SeABank đang triển khai đồng bộ chiến lược nhân sự trên toàn hệ thống với sự tư vấn chiến của đối tác tư vấn hàng đầu là Talentnet - Mercer triển khai chuỗi dự án liên quan đến quản trị nguồn nhân lực, chính sách lương, thưởng, KPI, quản lý nhân tài, chế độ đãi ngộ, phúc lợi đối với cán bộ, nhân viên.
Xây dựng thành công nền tảng văn hoá doanh nghiệp chính là công cụ gián tiếp giúp SeABank xây dựng trải nghiệm dịch vụ khách hàng tối ưu nhất, từ đó tạo được sự gắn kết dài hạn với tập khách hàng ngày càng mở rộng.
SeABank cũng xác định, nâng cao trải nghiệm để phát triển khách hàng, quản trị rủi ro và văn hóa tổ chức là các trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững của Ngân hàng trong thời gian tới.
Với những nền tảng tốt đã tạo lập được, năm 2021, SeABank dự kiến tăng trưởng tài sản 10%, thu nhập lãi thuần tăng 15%, thu nhập ngoài lãi tăng 50%, lợi nhuận trước thuế tăng 39,6% so với năm 2020.
Lợi nhuận của Ngân hàng sẽ tiếp tục đến từ hoạt động kinh doanh, cho vay, hoạt động thu phí dịch vụ và các khoản thu ngoài lãi từ các hoạt động chủ yếu như hoạt động bảo hiểm, thu phí từ dịch vụ gia tăng từ tài khoản khách hàng, từ kênh giao dịch điện tử, dịch vụ thẻ; thu hút dòng tiền huy động không kỳ hạn để giảm chi phí vốn và tối ưu hóa/tiết kiệm chi phí hoạt động của hệ thống.
Xét về các chỉ số tài chính, SeABank có dư địa để tiếp tục khai thác, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh và tạo không gian rộng lớn cho khu vực kinh tế tư nhân, vốn là nhóm khách hàng tiềm năng của các ngân hàng như SeABank.
Bên cạnh đó là thu nhập của người dân ngày càng cải thiện và nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngân hàng rất lớn, thuận lợi cho việc mở mang, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Không ít nhà đầu tư còn đánh giá cao yếu tố phi tài chính ở SeABank. Đó chính là sự dẫn dắt và tầm nhìn dài hạn mang tính khu vực và quốc tế của Ban lãnh đạo Ngân hàng, trong đó nổi bật là bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị.
Bà Nga được đánh giá là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
SeABank được nhiều tập đoàn lớn lựa chọn hợp tác chiến lược như VNPT, Vietnam Post, Prudential Việt Nam, Sumitomo Việt Nam, BRG, Vietnam Airlines, Central Retail, HanoiTourist, Coca-Cola…
Đây chính là nền tảng quan trọng giúp Ngân hàng mở rộng thị phần, tăng cường bán chéo sản phẩm dịch vụ, phát triển khách hàng mới. Với hệ sinh thái và mạng lưới các doanh nghiệp rộng khắp, mối quan hệ hợp tác với những tập đoàn lớn trên toàn cầu, triển vọng của SeABank được đánh giá rất lớn.
Nói về định hướng hoạt động trong thời gian tới, tại lễ chào sàn của SeABank hôm 24/3, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Kế hoạch phát triển đến 2025, chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ hơn 5 triệu khách hàng, vốn điều lệ đạt 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.368 tỷ đồng, 70% khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử (E - Banking). Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, SeABank sẽ phấn đấu không ngừng nghỉ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng những công nghệ số tiên tiến nhất để nâng cao trải nghiệm khách hàng và trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp, được khách hàng yêu thích nhất Việt Nam”.
Quả ngọt đã đến với nhiều cổ đông gắn bó dài hạn với SeABank khi thị trường đánh giá SSB là cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư thông qua hàng triệu lệnh còn dư mua và liên tục tăng giá trần sau khi lên sàn chứng khoán.
Chỉ làm một phép tính đơn giản, so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu thì hết phiên 26/3 đã giúp nhân 2,3 lần tài khoản cho nhà đầu tư. Còn so với giá chào sàn HOSE là 16.800 đồng/cổ phiếu, cổ đông của SeABank đã có mức lời 37% sau 3 phiên.
Đây là tin rất vui với nhiều cổ đông của SeABank, bởi trước đó năm 2020, các cổ đông Ngân hàng đã được chia cổ tức 14% bằng cổ phiếu cho năm tài chính 2019. Lãnh đạo nhà băng này chia sẻ, dự kiến năm 2021, cổ đông sẽ tiếp tục được nhận khoảng 10% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2020.