Cụ thể, SSB sẽ triển khai ba phương án để tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến phát hành 221,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông; phát hành 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP năm 2022. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II, III năm 2022.
Cũng trong quý II, III và IV năm 2022, sau khi hoàn thành các đợt phát hành trên, SeABank tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, hoặc chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu 228.700.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 13,78% vốn điều lệ hiện tại). Hình thức chào bán sẽ được quyết định cụ thể tại thời điểm triển khai.
SeABank cho biết, việc tăng vốn nhằm giúp Ngân hàng bổ sung tiềm lực để thực hiện các mục tiêu: triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, số hóa toàn diện các quy trình vận hành trong hoạt động tín dụng, thanh toán, dịch vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ,…
Trong quý I/2022, SeABank đã thực hiện chào bán thành công 181.311.631 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng như hiện nay.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2022, SSB ghi nhận tổng thu thuần đạt hơn 2.322 tỷ đồng, tăng 61,28% so với cùng kỳ năm ngoái; thu thuần từ dịch vụ đạt 274,21 tỷ đồng, tăng 122,65% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.306,4 tỷ đồng, tăng 87,1%. Ngoài ra, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống mức 28,32%; tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1,64%.
Trên thị trường chứng khoán, tạm kết phiên giao dịch sáng ngày 27/5, cổ phiếu SSB giảm 0,58% xuống 34.050 đồng/CP.