Sẽ yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố rõ room ngoại, không sử dụng mức chung là 49%

Sẽ yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố rõ room ngoại, không sử dụng mức chung là 49%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Diễn đàn “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả” ngày 1/3/2024, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) đã cập nhật thông tin về những thay đổi dự kiến trong quy định pháp lý về công bố thông tin và những tác động đến công tác tổ chức đại hội cổ đông 2024.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế; đồng thời, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Bên cạnh các vấn đề “nút thắt” như yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room), việc nâng cao chất lượng quản trị công ty nói chung và chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết nói riêng cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường.

Theo đó, UBCK đang nghiên cứu và sẽ đề xuất sửa đổi một số văn bản pháp lý như: Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán; Thông tư 96/2020 về công bố thông tin; Thông tư 119/2020 về lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; Thông tư 120/2020 (về giao dịch chứng khoán) của Bộ Tài chính.

Bà Tạ Thanh Bình cho biết, có 2 nội dung sửa đổi chính đối với Nghị định 155, đó là về room ngoại và yêu cầu về tiếp cận thông tin kịp thời.

Cụ thể, hiện nay, Việt Nam có quy định ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với đầu tư nước ngoài, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài tương ứng với ngành, nghề doanh nghiệp đang hoạt động. Theo đó, cần làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin này.

Việc sửa đổi Nghị định 155 sẽ theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán bắt buộc phải công bố rõ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mỗi công ty trên trang thông tin của công ty và sở giao dịch chứng khoán; công bố một số loại thông tin nhất định song ngữ Việt - Anh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận thông tin.

“Nhiều doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó có ngành nghề hạn chế tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế không triển khai hoạt động. Bởi vậy, cần khuyến nghị doanh nghiệp rà soát đăng ký kinh doanh, công bố rõ tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư ngoại, không sử dụng mức chung là 49%”, bà Bình chia sẻ thêm.

Về yêu cầu tiếp cận thông tin kịp thời, bà Bình cho biết, đây là lĩnh vực có sự cải thiện nhiều nhất trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài. Giải pháp đưa ra là xác định danh sách công ty đại chúng bắt buộc tuân thủ việc công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình.

Cụ thể hơn, công ty đại chúng quy mô lớn (vốn góp chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên) được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh với các thông tin công bố định kỳ. Sau đó sẽ yêu cầu công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu dưới 120 tỷ đồng và yêu cầu công bố thông tin bất thường bằng tiếng Anh.

Cũng dựa trên định hướng này, UBCK dự kiến sửa đổi Thông tư 96 về công bố thông tin với việc sửa đổi, bổ sung Điều 5: Yêu cầu công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo lộ trình tới năm 2028.

Định hướng sửa đổi Thông tư 96

Định hướng sửa đổi Thông tư 96

Đồng thời, đưa tiêu chí công bố thông tin bằng tiếng Anh vào việc lựa chọn cổ phiếu vào rổ chỉ số VN30, VN100.

Tin bài liên quan