Sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư

Sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư

(ĐTCK) Diễn đàn M&A 2013 do Báo Đầu tư tổ chức tại TP. HCM ngày 8/8/2013 đã dành riêng một phiên thảo luận về hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là cơ hội trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.

“Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội cho NĐT trong và ngoài nước”

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN

Chủ trương của Chính phủ và NHNN là đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu toàn bộ hệ thống ngân hàng, kể cả với những ngân hàng không nằm trong diện phải tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. NHNN kiên quyết và sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả những giải pháp cứng rắn trong tái cấu trúc hệ thống, để có thể lành mạnh hóa hoạt động của các ngân hàng, từ đó, hệ thống mới phát triển ổn định, bền vững. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư ngắn, dài hạn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hình thức M&A luôn được quan tâm trong suốt quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng.
 

“Tổ chức tín dụng tìm được đối tác thực hiện M&A, sẽ cho phép tự tái cơ cấu”

Bà Nguyễn Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN

Tới đây, NHNN sẽ có phương án cụ thể về việc những ngân hàng phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất, mua lại, bán cổ phần cho ngân hàng khác. Trên cơ sở pháp lý, với những tổ chức tín dụng đã tìm được đối tác thực hiện M&A và phương án tái cơ cấu khả thi, NHNN sẽ cho phép tự tái cơ cấu.

Hiện NHNN đang trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng trong diện yếu kém, nhưng phương án xử lý sẽ trên quan điểm tận dụng tối đa nguồn lực nội tại của tổ chức tín dụng đó. Nếu các TCTD không tự xử lý được, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để tham gia đàm phán với các tổ chức nước ngoài nhằm thực hiện tái cơ cấu.

 
“NĐT nước ngoài có thể được sở hữu tới 30% cổ phần ngân hàng yếu”

Ông Hạ Bá Trực, Giám đốc Đầu tư của HDBank

Thủ tướng Chính phủ đang xem xét việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và các chi nhánh nắm tới hơn 30% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu. Đây chính là cơ hội thúc đẩy M&A lĩnh vực ngân hàng phát triển trước chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành.

 
“NHNN cần chỉ đạo sát sao hoạt động M&A trong ngành”

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Chúng tôi mong muốn NHNN có chính sách thận trọng nhưng linh hoạt trong điều hành hệ thống, bám sát thực tế hoạt động của ngành. Với hoạt động M&A trong ngành ngân hàng, do còn nhiều vướng mắc, nên NHNN cần chỉ đạo sát sao để thực hiện dễ hơn.

 
Sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư ảnh 5
“M&A là công cụ cơ bản giúp ngân hàng tái cấu trúc”

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam và Lào

Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến quá trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng và tập đoàn nhà nước của Việt Nam . Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được đẩy mạnh hơn, đảm bảo tính ổn định về mặt thanh khoản, vì vấn đề này còn rất khó khăn. Một số tổ chức tín dụng đang gặp vấn đề về quản lý tài sản; trong khi đó Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) mới được thành lập có quy mô không lớn. Trong bối cảnh ấy, hoạt động M&A sẽ là công cụ cơ bản để giúp các ngân hàng thực hiện tái cấu trúc.