Đã có sàn giao dịch tập trung trái phiếu riêng lẻ từ ngày 19/7/2023 nhưng hiện vẫn còn nhiều tổ chức phát hành chưa thực hiện niêm yết (Ảnh minh hoạ)

Đã có sàn giao dịch tập trung trái phiếu riêng lẻ từ ngày 19/7/2023 nhưng hiện vẫn còn nhiều tổ chức phát hành chưa thực hiện niêm yết (Ảnh minh hoạ)

Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp không niêm yết trái phiếu riêng lẻ trên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 10/2023 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều nay (4/11).

Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi đến Bộ Tài chính, đề nghị chia sẻ về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và việc đưa sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào hoạt động có giúp thị trường khởi sắc hơn hay không?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau 10 tháng đầu năm 2023, đã có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã phát hành trước đây cũng tiến hành mua lại trước hạn 190,7 nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tính từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành (5/3/2023) cho đến hết tháng 10/2023, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 179,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, riêng ở ở thị trường sơ cấp, nhà đầu tư tổ chức chiếm trên 95% và nhà đầu tư cá nhân chỉ có khoảng gần 5% đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành.

"Khối lượng đáo hạn từ nay đến cuối năm là 61,6 nghìn tỷ đồng đối với trái phiếu mà doanh nghiệp đã phát hành", Thứ trưởng thông tin.

Về tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên hệ thống giao dịch tập trung, Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phối hợp với các thành viên cũng như các doanh nghiệp vận hành một cách an toàn, thông suốt hoạt động của hệ thống giao dịch này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo Đầu tư về tình hình trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại họp báo Chính phủ chiều 4/11 (Ảnh: M.Minh)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo Đầu tư về tình hình trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại họp báo Chính phủ chiều 4/11 (Ảnh: M.Minh)

Quy mô của thị trường và thanh khoản đã có bước tăng trưởng, tính đến 31/10 thị trường đã tiếp nhận và đưa vào giao dịch 451 mã trái phiếu của 114 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 336.768 tỷ đồng.

Về quy mô giao dịch, tính đến hết phiên giao dịch 31/10/2023, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 49.392 tỷ đồng; bình quân giá trị giao dịch đạt 676,6 tỷ đồng/phiên.

Riêng trong tháng 10, giá trị toàn thị trường đạt 29.292 tỷ đồng, bình quân giá trị giao dịch khoảng 1.331 tỷ đồng/phiên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, hiện nay còn nhiều mã trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp đã phát hành nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch tập trung trên sàn.

Nêu giải pháp, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng như Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tiến hành giám sát và kiểm tra.

"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu như các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mà không thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống này", ông Chi nói.

Trước đó, ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức Lễ khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)...

Số lượng thống kê cho biết, hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ khoảng 13% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để nâng cao chất lượng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cần ưu tiên phát triển các thị trường tập trung có sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước và sự minh bạch để người dân, doanh nghiệp giám sát giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định, minh bạch, an toàn và bền vững.

Do đó, việc ra đời của Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là hết sức cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn để phát triển đất nước nhằm giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, các đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm để thực hiện có hiệu quả.

Tin bài liên quan