Ông Phạm Hồng Sơn

Ông Phạm Hồng Sơn

Sẽ xử lý nghiêm CTCK chậm tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT

(ĐTCK) Khẳng định của ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Thời gian vừa qua, TTCK đã ghi nhận sự gia tăng mạnh số lượng các CTCK tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi của NĐT. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tách bạch tận chân tài khoản (theo yêu cầu bắt buộc) chưa phù hợp, làm giảm tốc độ giao dịch và khó cung cấp dịch vụ gia tăng cho NĐT. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về vấn đề này.

Thưa ông, thời hạn các CTCK phải đảm bảo 2 lựa chọn cho NĐT trong tách bạch tài khoản tiền gửi (15/1/2014) đang đến gần. Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị tách bạch tiền gửi cho NĐT của các CTCK hiện nay?

Theo quy định tại Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, các CTCK buộc phải thực hiện quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng theo hình thức khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại NHTM do CTCK lựa chọn, để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, CTCK có thể cung cấp thêm hình thức tách bạch tài khoản tiền gửi thứ hai cho khách hàng lựa chọn, đó là CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại NHTM để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của CTCK. Thời hạn để CTCK hoàn thiện việc cung cấp hệ thống tách bạch tiền gửi của khách hàng là 15/1/2014.

Thời gian qua, ngoài việc yêu cầu các CTCK thực hiện báo cáo tiến độ thực hiện, UBCK cũng đã tổ chức các buổi hướng dẫn cho CTCK, có mời đại diện ngân hàng đến để tư vấn, hướng dẫn các CTCK thực hiện. Trên cơ sở báo cáo các CTCK gửi về UBCK, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực chuẩn bị của các CTCK. Trong bối cảnh TTCK còn nhiều khó khăn, các CTCK đã ý thức được mức độ tuân thủ pháp luật và đầu tư để đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng và đầu tư hệ thống bài bản hơn. Chỉ 5 tháng đầu năm, số lượng các CTCK hoàn thiện hệ thống công nghệ để tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT đã tăng lên đột biến, lên con số trên 40 CTCK. Ngoài những CTCK đã hoàn thành, nhiều CTCK khác cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa hệ thống vào hoạt động.

 

Nhiều CTCK lớn cho biết, việc tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi của NĐT bất tiện cho quá trình cung cấp dịch vụ như tốc độ xử lý giao dịch chứng khoán chậm, khó triển khai các dịch vụ, sản phẩm gia tăng... Liệu UBCK có trì hoãn yêu cầu này?

Quan điểm của UBCK là phải tuân thủ quy định pháp luật và đó cũng là việc cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT. Việc yêu cầu tách bạch tài khoản tiền gửi là một cơ chế phòng ngừa rủi ro vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề và CTCK. Một khi tiền được tách bạch nghiêm ngặt, môi trường để CTCK có cơ hội trục lợi sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với CTCK và phản ứng từ thị trường, tôi cho rằng, giờ đây, các CTCK đã ý thức được, muốn cạnh tranh thì phải tạo dựng được niềm tin với NĐT. Vì thế, không có chuyện vì lí do nào đó mà UBCK thay đổi thời hạn hoàn thành tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT của các CTCK. Tất cả những trường hợp không thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT, UBCK sẽ có chế tài xử lý nghiêm ngặt theo quy định hiện hành.

Liên quan đến quan điểm của nhiều CTCK trong việc khuyến cáo NĐT lựa chọn hình thức tách bạch tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán, đó là quyền của CTCK trên cơ sở phải tôn trọng sự lựa chọn của NĐT. Mỗi hình thức, với điều kiện công nghệ hiện có, có ưu nhược điểm riêng trong thực tế vận hành. Nghĩa vụ của CTCK là phải đảm bảo quyền cho NĐT, còn việc lựa chọn của NĐT như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và niềm tin của họ với CTCK.

 

Có ý kiến cho rằng, ngay cả việc tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi của NĐT, thì nếu cố tình, CTCK vẫn có thể làm sai. Theo ông, đâu là biện pháp triệt để giải quyết tình trạng này?

Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tạo ra khung pháp lý tốt nhất để tạo nên sự minh bạch, bình đẳng, an toàn cho thị trường hoạt động. Nếu CTCK hoặc cá nhân tại CTCK cố tình vi phạm thì hành vi trục lợi vẫn có thể diễn ra, vì rất khó để có quy định pháp lý nào phòng ngừa được hết. Đây là tình trạng chung, không chỉ đối với lĩnh vực chứng khoán, mà ở đâu cũng vậy, vì thế, quy định pháp lý đưa ra để giảm thiểu môi trường có thể dẫn tới vi phạm của các cá nhân, tổ chức và cũng là để tăng cường cơ chế giám sát và có hướng xử lý các sai phạm khi phát sinh.

UBCK đang hướng dẫn các CTCK xây dựng quy trình quản trị rủi ro nội bộ. Đây sẽ là cơ sở để chính CTCK giảm thiểu rủi ro ngay từ quy trình hoạt động. Quá trình giám sát các CTCK, UBCK cũng ghi nhận được nhiều trường hợp CTCK có quy trình hoạt động, kiểm soát nội bộ rất tốt, cơ chế thông tin qua lại với khách hàng nhanh, kịp thời, từ đó hạn chế được các nguy cơ trục lợi. Mặc dù vậy, tôi vẫn khuyến cáo NĐT nên lựa chọn mở tài khoản tại những CTCK có quy trình quản trị rủi ro tốt, có uy tín để phòng ngừa những rủi ro không đáng có.