Sẽ xử lý dứt điểm kiến nghị tài chính còn tồn đọng

0:00 / 0:00
0:00
Việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã có chuyển biến tích cực, nhưng hiện vẫn còn 67.513 tỷ đồng tồn đọng từ năm 2021 trở về trước chưa được xử lý. Ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết sẽ sớm có hướng xử lý số tiền này.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN

Theo Nghị quyết về việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 vừa được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành, việc chấp hành kiến nghị xử lý tài chính của KTNN được thực hiện tốt hơn, thưa ông?

Đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022, đến ngày 31/12/2023, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước trên 31.719 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,69%; kiến nghị khác hơn 30.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,72%. Đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023, các đơn vị được kiểm toán tiếp tục thực hiện thêm được gần 10.303 tỷ đồng, nhưng số kiến nghị chưa thực hiện đến ngày 31/12/2023, vẫn còn khoảng 67.513 tỷ đồng.

Trước đây, việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm trước đạt khoảng 80% và tiếp tục thực hiện kiến nghị chưa được thực hiện của các năm trước đó, nhưng lũy kế cũng chỉ đạt khoảng 86% tổng số tiền liên quan đến xử lý tài chính.

Theo ông, vì sao có được kết quả khả quan trên?

Có được kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của KTNN, còn có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách (Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 23/6/2023).

Có thể nói, Chỉ thị 22/CT-TTg là “kỷ luật thép” vì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ở Trung ương và chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận cơ quan thanh tra, kiểm toán đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công thuộc trách nhiệm được giao quản lý.

Ngoài ra, không thể không kể việc giám sát của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực kiểm toán nói chung, xử lý kiến nghị kiểm toán nói riêng. Cụ thể, tháng 8/2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã yêu cầu KTNN giải trình về vấn đề này và tại Kỳ họp thứ bảy vừa qua, lần đầu tiên, Tổng KTNN thực hiện chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các hoạt động liên quan đến kiểm toán, trong đó có việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính.

Nhưng thực tế, vẫn còn 67.513 tỷ đồng chưa xử lý được?

Nội dung này đã được Tổng KTNN báo cáo, giải trình trong phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện. Vấn đề này sẽ phải báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 vào tháng 6/2025.

Về nguyên tắc, kiến nghị của KTNN có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Hiện không ít kiến nghị không thực hiện được vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan và do vướng cơ chế pháp lý. Vì vậy, Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật KTNN và các văn bản liên quan.

Một trong những giải pháp để xử lý dứt điểm tồn đọng nêu trên là cho phép xóa khoản tài chính đã được kiến nghị, nhưng vì lý do khách quan không thể xử lý được, tương tự việc xóa nợ thuế?

Đúng là có nhiều khoản tồn đọng rất khó xử lý như doanh nghiệp, nhà thầu đã giải thể, phá sản; cá nhân chịu trách nhiệm đã chết, mất năng lực hành vi dân sự. Đối với khoản nợ ngân sách nhà nước, thì khoản nợ đọng thuế này đã có hướng xử lý và đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế, nhưng đối với khoản xử lý tài chính theo kiến nghị, kết luận của kiểm toán, thanh tra thì chưa có quy định cụ thể nên không thể thực hiện được.

KTNN, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ nghiên cứu, trình hướng xử lý, vì số tiền tồn đọng sẽ ngày càng lớn nếu không có hướng xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, việc xóa khoản kiến nghị này rất phức tạp, vì doanh nghiệp (nhà thầu) giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, nhưng khoản tài chính này nhiều trường hợp lại thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Vì vậy, phải xác định cụ thể, chặt chẽ trách nhiệm dẫn đến vi phạm về tài chính buộc phải kiến nghị xử lý (thu hồi, tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước). Nếu không, chỉ cần lý do nhà thầu giải thể, phá sản; người chịu trách nhiệm chết, mất năng lực hành vi dân sự để đề nghị xóa khoản tài chính này, thì ngân sách nhà nước dễ bị thất thoát, chiếm đoạt.

Trong khi chưa có quy định đột phá xử lý khoản tài chính tồn đọng đã được kiến nghị, ông có hy vọng việc thực hiện kiến nghị của KTNN tiếp tục được cải thiện?

Điều này là chắc chắn vì các bộ, ngành, địa phương, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn phải thực hiện triệt để Chỉ thị 22/CT-TTg. Hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, Quốc hội yêu cầu, trong năm 2024, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước; có giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường đôn đốc và khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN liên quan đến xử lý tài chính, xử lý khác; làm rõ trách nhiệm và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Tin bài liên quan