Theo đó, VAMC dự kiến trình Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền duyệt tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn và nâng cao năng lực tài chính mua nợ xấu theo giá thị trường.
Đồng thời, công ty xây dựng hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để giới thiệu tới các nhà đầu tư quan tâm, tạo tiền đề để xây dựng trung tâm dữ liệu về nợ xấu nhằm thúc đẩy giao dịch trên thị trường mua bán nợ; trong đó VAMC là trung tâm của thị trường.
Sắp tới, VAMC tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các tổ chức có tỷ lệ nợ xấu trên 3% với phạm vi và số lượng nợ xấu theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu năm nay của VAMC là xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc, mua 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt.
Theo báo cáo của VAMC, trong năm 2019, công ty đã mua 381 khoản nợ của 9 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.544 tỷ đồng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, đạt 99,23% kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với tổng dư nợ gốc nội bảng gần 359.400 tỷ đồng, giá mua nợ trên 327.400 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thì điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường được 37 khoản nợ với tổng giá mua nợ là 2.247 tỷ đồng, góp phần xử lý nợ 2.131 tỷ đồng dư nợ xấu cho tổ chức tín dụng, đạt 112% chỉ tiêu mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.