Ông Nguyễn Thanh Lâm
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE).
Giữa tuần, thị trường đã có phiên giao dịch tăng hơn 13 điểm với thanh khoản cải thiện rõ rệt. Tín hiệu tích cực này liệu có kéo dài, thưa ông?
Trước hết cần khẳng định, phiên tăng 13 điểm ngày 20/5 là một phiên rất đáng lưu tâm của thị trường, khi cả hai chỉ số trên sàn ghi nhận phiên tăng mạnh nhất cả về điểm số cũng như thanh khoản trong hơn hai tháng qua.
Riêng đối với phiên ngày 20/5, theo đánh giá của chúng tôi, thị trường đã chuyển từ giai đoạn tiêu cực trước đó sang trung tính. Cụ thể hơn, khu vực 535 điểm trước đó có thể đã là vùng đáy trong xu hướng giảm giai đoạn vừa qua và trong kịch bản trung tính, khả năng VN-Index sẽ di chuyển trong khu vực 535 - 560 điểm.
Trong một kịch bản tích cực hơn, nếu dòng tiền tiếp tục mạnh lên, khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng, giúp VN-Index chinh phục thành công vùng kháng cự trung hạn tại 560 điểm, thì một xu hướng tăng mới sẽ được hình thành. Xác suất dành cho kịch bản này không quá cao, khoảng 30%.
Về các yếu tố tác động đến thị trường trong ngắn hạn, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khả năng việc đàm phán Hiệp định tự do thương mai Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể có bước tiến lớn vào cuối tuần tới nếu Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật TPA (quyền đàm phán nhanh) cho Tổng thống Barack Obama vào cuối tuần này. Thêm vào đó, một lần nữa kỳ vọng vào vấn đề nới room khối ngoại lại được thị trường nhắc đến trong các phiên vừa qua.
Khối ngoại vẫn có sự tác động nhất định lên xu hướng tăng, giảm của thị trường. Những yếu tố sẽ tác động tới xu hướng khối ngoại trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Rõ ràng từ tháng 4 đến nay, trong bối cảnh dòng tiền trong nước hoạt động không quá mạnh mẽ thì hoạt động của khối nhà đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng để giữ nhịp thị trường. Có thể dễ dàng nhận thấy sự tương quan trong các tháng qua giữa hoạt động mua/bán của khối ngoại và sự tăng/giảm của thị trường.
Về các yếu tố tác động đến dòng vốn ngoại, điều cốt lõi nhất vẫn là tính hấp dẫn của nội tại thị trường Việt Nam. Xét về yếu tố này, kỳ vọng vào việc mua ròng của khối ngoại dành cho thị trường trong trung hạn vẫn hoàn toàn hợp lý. Dù vậy, trong ngắn hạn, rào cản đối với dòng vốn khối ngoại liên quan đến câu chuyện nới room nước ngoài và kỳ vọng về khả năng tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.
Hiện nhiều nhận định cho rằng, chỉ số định giá thị trường Việt Nam đã rẻ, những phiên giảm gần đây khiến mức định giá hấp dẫn hơn. Liệu đây có phải thời điểm thích hợp nhà đầu tư nên xuống tiền lựa chọn những cổ phiếu tốt đã giảm giá?
Xét về trung hạn với tầm nhìn đến cuối năm nay, cần lưu ý định giá của thị trường Việt Nam hiện đang rẻ hơn 20% so với mức trung bình của khu vực và đi kèm theo đó là triển vọng tăng trưởng ở mức cao hơn trong thời gian tới.
Điều này sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung sẽ vẫn giữ trạng thái mua ròng là chủ đạo trên TTCK Việt Nam. Đứng trên góc độ đầu tư trung hạn, việc nhìn nhận định giá thị trường Việt Nam đã hấp dẫn theo tôi là hợp lý.
Dù vậy, xét trong ngắn hạn một tháng tới, chúng tôi đánh giá thị trường có xác suất cao hơn đi theo kịch bản “trung tính” với các dao động tích lũy của VN-Index trong khu vực 530 - 560 điểm.
Kịch bản chinh phục thành công vùng kháng cự 560 điểm vẫn được tính đến, nhưng đòi hỏi dòng tiền cần chứng tỏ được sự mở rộng một cách bền vững hơn. Xác suất cho kịch bản này, theo chúng tôi, chỉ khoảng 30%.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng, sẽ hợp lý nếu nhà đầu tư duy trì một tỷ trọng cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu. Nhà đầu tư cũng nên hướng sự ưu tiên đến những nhóm ngành thật sự được hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách, có nền tảng cơ bản và kỳ vọng tăng trưởng tốt trong thời gian tới.