Bộ Tài chính đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn tất cả các loại thuế về đầu tư chứng khoán, trong đó cân nhắc phương án ưu đãi thuế hợp lý đối với quỹ đầu tư (QĐT) chứng khoán, mà trước mắt là quỹ mở, nhằm thiết thực hỗ trợ phát triển NĐT tổ chức chuyên nghiệp.
Rối, khó hiểu, không hợp lý…
Rối, khó hiểu, không hợp lý… là những từ được đại diện các công ty quản lý quỹ (QLQ) sử dụng nhiều nhất khi nói về bất cập của chính sách thuế đánh vào hoạt động của QĐT tại Hội thảo “Xây dựng và thi hành pháp luật thuế đối với các QĐT chứng khoán”, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/5.
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Dragon Capital cho biết, các QĐT đang rất… sợ chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán, vì nhiều bất cập đã bộc lộ nhưng chưa được tháo gỡ. Điển hình là việc đánh thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của QĐT. Khi chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng, NĐT cá nhân/tổ chức nước ngoài và cá nhân trong nước bị áp mức thuế 0,1%/giá trị bán, tổ chức trong nước đóng thuế 25%/lợi tức. Nhưng khi chuyển nhượng cổ phần trong công ty không đại chúng, thì NĐT là tổ chức (Việt Nam hoặc nước ngoài) phải chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%/lợi tức; NĐT cá nhân Việt Nam bị áp thuế suất 20%/lợi tức và NĐT cá nhân nước ngoài bị áp thuế suất 0,1%/giá trị bán. Rõ ràng, cũng là hoạt động chuyển nhượng vốn, nhưng chính sách thuế lại có cách hành xử khác nhau khi chuyển nhượng vốn tại công ty đại chúng và công ty chưa đại chúng, dù cả hai đều là công ty cổ phần.
“Cần thực hiện một mức thuế suất là 0,1%/doanh thu cho cả hai loại hình chuyển nhượng vốn tại công ty không đại chúng và công ty đại chúng, công ty niêm yết. Hoặc Bộ Tài chính cho phép NĐT được chọn giữa mức thuế suất 25%/lợi tức hay 0,1%/giá trị bán khi chuyển nhượng vốn tại DN không đại chúng”, ông Anh đề xuất.
Bà Bùi Thu Thuỷ, Giám đốc phát triển kinh doanh, Bộ phận dịch vụ chứng khoán thuộc Ngân hàng HSBC kiến nghị việc xây dựng chính sách thuế rõ ràng, minh bạch hướng tới việc thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn từ NĐT nước ngoài. Trong đó, cần thống nhất cách hiểu về NĐT nước ngoài để tính thuế. Việc tách bạch các quy định hoặc có hướng dẫn riêng về chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư chứng khoán nói chung; xây dựng các cẩm nang hướng dẫn việc áp dụng các ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư đến từ các quốc gia đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam, v.v. cũng là những giải pháp nhằm minh bạch hóa các sắc thuế cho hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Để khuyến khích quỹ mở phát triển, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty QLQ SSI kiến nghị, nên miễn thuế đối với các khoản lợi tức/cổ tức mà NĐT nhận được từ quỹ mở, mà không phân biệt giữa các quỹ có chiến lược đầu tư chuyên vào thị trường tiền tệ, trái phiếu hay cổ phiếu. Để khuyến khích NĐT đầu tư vào quỹ mở trong bối cảnh sản phẩm này còn rất mới với thị trường, nên giảm 50% mức thuế suất 0,1%/giá trị bán hoặc 25%/phần lợi nhuận thu được từ bán chứng chỉ quỹ.
Đại diện các công ty QLQ còn kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có biện pháp miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty QLQ, cũng như có hình thức ưu đãi thuế đối với NĐT khi tham gia quỹ hưu trí tự nguyện khi sản phẩm này sắp ra đời.
Sẽ ưu đãi thuế
Theo ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK, để góp phần quan trọng hỗ trợ QĐT chứng khoán phát triển, việc hoàn thiện chính sách thuế như là một công cụ nhằm hỗ trợ sự phát triển nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các QĐT chứng khoán đang được nhiều thành viên thị trường kiến nghị cơ quan quản lý xem xét tới.
Các đề xuất của thành viên thị trường tại Hội thảo sẽ được tiếp nhận để trình cấp có thẩm quyền, chẳng hạn như đối với công ty đầu tư chứng khoán, tuy có tư cách pháp nhân và là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng về bản chất cũng là QĐT, vì vậy, không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp giống như các quỹ đầu tư khác; hoặc kiến nghị giảm mức thuế suất 25%/thu nhập hoặc 0,1%/giá trị bán đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.
Về thuế đối với sản phẩm quỹ hưu trí, ông Long cho hay, kinh nghiệm quốc tế có nhiều phương pháp đánh thuế ở ba giai đoạn: khi người dân nộp tiền vào quỹ; lợi tức nhận được từ hoạt động đầu tư của quỹ, hay khi người dân rút tiền ra một lần hoặc nhiều lần. Nhưng ngay cả khi miễn thuế ở cả ba giai đoạn, thì các quốc gia cũng khống chế mức trần mà người dân nộp tiền vào quỹ, nhằm tránh tình trạng lợi dụng để trốn thuế.
Ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Thông tư quy định về tất cả các loại thuế đối với hoạt động đầu tư chứng khoán đang được Bộ Tài chính soạn thảo. Trong đó có cân nhắc đến những ưu đãi cụ thể đối với từng phân ngành trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, QĐT nói riêng, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đồng bộ, minh bạch, công bằng, qua đó góp phần quan trọng khuyến khích TTCK phát triển lành mạnh.