Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 4 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại khoảng 80% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 43%/năm.
Nếu vào thời điểm năm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch thì đến nay, thị trường đã có trên 1.500 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 Sở, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Khối doanh nghiệp niêm yết duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức cao, trong đó có những doanh nghiệp đóng góp hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước do có hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Sự phát triển của TTCK trong những năm vừa qua là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự tăng trưởng ở mức cao của GDP cũng như sự ổn định của các chỉ tiêu vĩ mô trong một khoảng thời gian khá dài, cùng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khả năng ứng phó trước những tác động khách quan, những diễn biến lớn của thị trường thế giới còn hạn chế, nhưng đã được cải thiện nhiều theo thời gian và các nhà hoạch định chính sách luôn nỗ lực cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Trên bình diện vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng cao và bền vững. Mức tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến sẽ cao hơn năm 2017 và dao động từ 6,7-7%/năm cho đến năm 2020. Các chỉ tiêu cơ bản như lạm phát, lãi suất, tỷ giá đều được đánh giá là trong tầm kiểm soát.
Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách để khởi động tiềm năng của Việt Nam và cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho các nguồn lực tìm nơi sinh lời hiệu quả. Đây chính là những yếu tố nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Khi các DN làm tốt nhiệm vụ kinh doanh, không có lý do gì TTCK Việt Nam không trở lại xu hướng diễn biến tích cực.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường bền vững. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới là hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát; tiếp tục triển khai xây dựng Luật chứng khoán, trình Quốc hội thông qua năm 2019.
Thứ hai, tiếp tục phát triển và tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên bốn trụ cột chính là tái cấu trúc thị trường chứng khoán thông qua đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại hai Sở GDCK hiện tại; tái cấu trúc hệ thống CTCK, công ty quản lý quỹ và phát triển cơ sở nhà đầu tư; tái cấu trúc hàng hóa, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, sản phẩm cơ cấu; phát triển các sản phẩm phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp.
Thứ ba, triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam để tăng sức thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Thứ tư, tiếp tục phát triển cơ sở, hạ tầng công nghệ, trong đó sẽ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ toàn ngành chứng khoán, dự kiến đưa vào vận hành năm 2019.
UBCK sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra giám sát TTCK, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, các hành vi gian lận trên TTCK cũng như nâng cao năng lực điều hành TTCK trong bối cảnh tình hình kinh tế chính thị thế giới có nhiều biến động.
Tôi tin rằng, khi chúng ta cùng bước đi với tinh thần xây dựng, nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình trên TTCK Việt Nam thì TTCK chắc chắn sẽ sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng song hành với nền kinh tế và tiếp tục góp sức giúp các doanh nghiệp phát triển.