Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thẩm tra.
Sau nhiều băn khoăn của các thành viên Ủy ban Kinh tế về cơ chế thu hồi đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định sẽ tiếp tục thực nghiên cứu để thực hiện cơ chế tự thoả thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Sáng 29/9, trong phiên họp toàn thể lần thứ 9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên thẩm tra, nhiều ý kiến còn băn khoăn từ quy định về chế độ sở hữu, cơ chế thu hồi đất, tài chính đất đai...
Phát biểu cuối phiên thẩm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo đã làm rõ Nhà nước đại diện cho sở hữu toàn dân về đất đai, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của chủ thể sử dụng đất, trong đó có tổ chức nhà nước, doanh nghiệp nhà nước...
"Chúng tôi dự định sẽ đưa ra một chương, nhóm các điều khoản quy định về nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý về đất đai", Trưởng ban Soạn thảo Trần Hồng Hà cho biết.
Liên quan đến vấn đề đại biểu còn nhiều băn khoăn về thu hồi đất, ông Hà cho biết đã thống nhất cao nhất để có thể đưa ra tiêu chí, điều kiện: thế nào là lợi ích quốc gia, điều kiện nào thu hồi để phát triển quỹ đất và dùng quỹ này để phát triển công trình thương mại, giao thông theo hướng tuyến, phát huy nguồn lực đất đai...
Bên cạnh lượng hoá các quy định, theo Bộ trưởng, cũng không thể không liệt kê các loại dự án trong diện thu hồi.
Về điều kiện tự thỏa thuận, Bộ trưởng khẳng định không thể chế vấn đề này vì Nghị quyết 18 - NQ/TƯ đã quy định.
"Hiện nay, theo Luật Nhà ở và các luật có liên quan, đất ở có cùng các loại đất khác, khi doanh nghiệp tự điều chỉnh, các chủ thể sử dụng đất cùng nhau thu xếp, sắp xếp thì đồng ý cho việc chuyển nhượng và chuyển mục đích", Bộ trưởng giải thích.
Tuy nhiên, có những vấn đề, theo Bộ trưởng, cần hết sức cân nhắc là, nếu dự thảo để 2 chế độ nhà nước thu hồi và để doanh nghiệp tự thỏa thuận thì sẽ xảy ra 2 vấn đề: Một là, có 2 loại giá. Hai là, đánh giá theo quyền sở hữu nhà nước đại diện, tức là có quyền định đoạt, trong đó có quyền thu hồi, định giá và các quyền khác
Nhắc lại ví dụ đại biểu nêu là cùng một thửa ruộng, một bên cắt ra làm đường cao tốc giá nhà nước, một bên cắt ra làm cây xăng giá cao hơn gấp trăm lần, Bộ trưởng khẳng định sẽ thấy ngay sự chênh lệch và cũng không bình đẳng.
Cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu tiếp về cơ chế thu hồi đất, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ thêm là nếu có hai cơ chế thì sẽ tạo ra bất ổn, vì có 2 loại giá khác nhau và cũng không khẳng định được rằng doanh nghiệp lo cho người dân sau thỏa thuận thế nào về an sinh, xã hội, nhất là những người yếu thế.
"Vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu căn bản rồi, nhưng chúng tôi chấp hành Nghị quyết 18 - NQ/TƯ, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu", ông Hà cho biết.
Về giá đất, vấn đề nhiều đại biểu ở địa phương còn nhiều lo lắng, ông Hà cho rằng, giá đất không dựa vào ý chí chủ quan, mà qua thông tin về giá đất giao dịch trong thực tế có công thức để tính ra giá phổ biến, bình thường.
"Đừng hiểu giá đất hôm nay đấu giá là giá thị trường, đừng hiểu giá đất hôm nay vừa bán xong là giá đất thị trường. Nhà nước phải làm sao tạo ra giá đất ổn định, nhưng đồng thời phải đưa ra công thức để thống kê giá đất trung bình, ổn định. Cái này thế giới đã làm cả", Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Theo Bộ trưởng, trước mắt, chưa có bản đồ địa chính đất đai số, chưa có dữ liệu thông tin giao dịch đất đai thì buộc áp dụng theo 4 phương pháp, trên cơ sở điều chỉnh kết hợp phương pháp này với phương pháp kia để xác định giá đất. Khi có bản đồ địa chính, có thông tin giá cả đất đai trên thị trường theo dõi, có quy định thu nghĩa vụ thuế người chuyển nhượng đất đai thông qua giá đất hàng năm, không tính trên giá hợp đồng thì người dân sẽ kê khai đúng giá giao dịch.
"Chúng tôi chế định trách nhiệm công dân, nếu kê khai sai tức là vi phạm pháp luật, nhà nước sẽ không công nhận cho hợp đồng đó.", ông Hà thông tin và cho rằng, sẽ mất khoảng 3-5 năm để có thể tính được giá đất thị trường.
Vẫn theo Bộ trưởng, ở TP.HCM và nhiều thành phố, thì chỉ còn việc xác định các thửa đất chuẩn và từ các thửa đất đó thông qua theo dõi giá cả biến động thì sẽ có bảng giá đất hàng năm. Phương pháp xác định bảng giá đất cũng là phươgn pháp xác định giá đất cụ thể.
"Báo cáo các đồng chí, thế giới họ làm đơn giản lắm, chỉ có chúng ta công thức này công thức nọ, người nọ người kia. Còn khi đưa giá thị thông tin là giá trị chuẩn thì có thể làm ngay. Cơ quan soạn thảo đã trao đổi với nhiều chuyên gia và chúng tôi sẽ làm", Bộ trưởng quả quyết.
Việc đổi mới cơ chế tài chính về đất đai, theo Bộ trưởng "rất hay ở chỗ chúng ta sẽ điều tiết được, có giá tại thời điểm trước khi quy hoạch, trước khi chuyển mục đích, trước khi xây dựng hạ tầng, trước khi nhà đầu tư đầu tư. Do đó sẽ quy định chênh lệch địa tô nhà nào nhà nước định đoạt, nhà nước phân bổ".
Việc này, Bộ trưởng quả quyết sẽ làm được, sẽ công khai cho người dân và quan trọng làm cho người dân thấy rằng, sau khi thu hồi đất cuộc sống tốt hơn.
Nếu định giá tốt, chính sách nhà nước công bằng, minh bạch thì người dân sẽ không quan tâm lắm ở chỗ doanh nghiệp đền bù hay nhà nước đền bù, ông Hà nhấn mạnh.