Sẽ thúc đẩy việc nới room

Sẽ thúc đẩy việc nới room

(ĐTCK) Nới room được ngành chứng khoán nhìn nhận như một giải pháp mạnh, để khích lệ dòng vốn ngoại chảy mạnh hơn vào Việt Nam.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc làm việc với ngành chứng khoán ngày 11/12/2013, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài hiện nay vào khoảng 10,5 tỷ USD. Từ khi mở cửa TTCK đến nay, con số này có sự tăng dần: năm 2000 là 0 USD, năm 2005 là 3,2 tỷ USD, năm 2010 là 6,5 tỷ USD, năm 2012 là 8,1 tỷ USD và năm 2013 là 10,5 tỷ USD.

Cũng theo Chủ tịch UBCK, từ đầu năm 2013, một trong những công việc trọng tâm của UBCK là xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg. Dự thảo đã trình lên Chính phủ và UBCK hy vọng, Bộ Tài chính tiếp tục giúp UBCK trong lần giải trình tháng 12 này, để giải đáp những câu hỏi cuối cùng liên quan đến việc nới room của cấp có thẩm quyền quyết định.

Đáp lại đề xuất của Chủ tịch UBCK, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, ông hoàn toàn đồng tình với việc nới room, tạo không gian đầu tư rộng hơn cho khối ngoại. "Chỉ những ngành nghề cần nắm giữ theo quy định thì mới nên nắm giữ, còn lại, nên có cơ chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều hơn, bởi hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đã được thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực", Bộ trưởng nói.

Cũng liên quan đến việc sở hữu của khối ngoại, thông tin từ Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM, ông Trần Đắc Sinh cho biết, tại sàn HOSE, khối ngoại hiện sở hữu dưới 20% quy mô thị trường, bình quân từ đầu năm đến nay, khối ngoại có tỷ trọng giao dịch khoảng 8%.

Tại sàn Hà Nội, Chủ tịch HNX, Trần Văn Dũng cho biết, khối ngoại đang tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu chính phủ, hiện sở hữu của khối này dao động quanh 20%.

Với mức sở hữu của khối ngoại chưa lớn, trong khi các chủ thể trên TTCK, đặc biệt là các DN niêm yết, công ty chứng khoán, rất cần nguồn lực mới để thực hiện nhanh hơn việc tái cơ cấu vốn, tái cơ cấu hoạt động, nới room được ngành chứng khoán nhìn nhận như một giải pháp mạnh, để khích lệ dòng vốn ngoại chảy mạnh hơn vào Việt Nam.

Ở vai trò cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách, UBCK, Bộ Tài chính có chung một hướng nhìn về quan điểm nới room, nhưng văn bản này chỉ có giá trị khi được người đứng đầu Chính phủ ký ban hành.

Nếu quan điểm về nới room đạt được sự thống nhất thì xử lý các vấn đề kỹ thuật để nới room đi vào thực tế, cũng còn một số việc cần làm. Hiện nay, chuẩn phân ngành DN chưa hoàn toàn thống nhất giữa các cơ quan chức năng, để biết rõ, DN loại nào, thuộc ngành nghề nào thì cần hạn chế nhà đầu tư ngoại; DN loại nào, thuộc ngành nghề nào thì được mở đến 100%.

Có lẽ, cũng vì điểm này, nên dù muốn, nhưng bước đi của ngành chứng khoán vẫn khá thận trọng, khi đề xuất nâng room cho các DN đủ điều kiện, từ 49% lên 60% (trừ khối các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoặc room đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết tại các DN).

Nhìn cả quá trình vốn ngoại vào TTCK 13 năm qua dễ thấy, dòng vốn ngoại tăng dần theo từng năm và nếu có sự cởi mở hơn về chính sách, sẽ tạo bước đột phá trong thu hút vốn. Các nhà đầu tư đang dõi theo động thái chính sách, với hy vọng, nới room sẽ là "cú huých" cho TTCK của năm Giáp Ngọ sắp đến gần.

>>MSN: room ngoại đã tăng lên 47,79%

>>Nới “room” không phải là thần dược

>>Dự thảo nới room: hai câu hỏi ngỏ