Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hải Trà, phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở GDCK TP.HCM cho biết, Đề án khai trương sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) đang chờ Bộ Tài chính xem xét, quyết định, có thể khai mở trong tháng 6-7/2018.
Sản phẩm CW là công cụ tài chính mới, mở thêm không gian cho các chủ thể trên TTCK Việt Nam, nhất là nhà đầu tư nước ngoài (không bị giới hạn sở hữu) tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), còn 2 tháng nữa là tròn 1 năm kể từ ngày TTCK phái sinh Việt Nam khai trương hoạt động (10/8/2017). Công việc phát triển thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đang được gấp rút hoàn thiện, kết nối và kiểm thử với các thành viên trên thị trường.
Gần đây, TTCK phái sinh có thêm thành viên mới là CTCK KIS Việt Nam, nâng tổng số thành viên lên 8. Ứng viên thứ 9 là CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng), đã nộp hồ sơ lên HNX, chờ ngày chấp thuận. Cả 7 thành viên đầu tiên đều có khách hàng, nhưng “đắt khách” nhất (có thị phần môi giới lớn nhất) là VNDS, SSI, HSC và MBS (4 công ty chiếm gần 85% thị phần, tính đến hết quý I/2018).
Thị trường phái sinh có sự tăng trưởng mạnh về khối lượng và giá trị giao dịch và gần đây, khối nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tham gia nhiều hơn. Tháng 5 vừa qua, khối ngoại giao dịch 992 hợp đồng, gấp 5 lần tháng 4.
Trong khi 2 Sở GDCK lo việc xây dựng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp thì ghi nhận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính cho thấy, những nỗ lực nâng hạng thị trường vẫn đang được rốt ráo thực hiện.
Trong báo cáo tháng 5/2018 đánh giá về hiện trạng TTCK Việt Nam, UBCK cho biết, Việt Nam có 13 DN đủ tiêu chuẩn về quy mô vốn hóa và thanh khoản theo tiêu chí thị trường mới nổi của MSCI (ACB, VCS, Vinamilk, Masan, Hòa Phát, Vietjet…).
Những tiêu chí khó hơn về mức độ mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài thì TTCK mới đáp ứng được một số điều kiện. Hạn chế chính nằm ở chỗ các chủ thể trên TTCK Việt Nam vẫn chưa quen công bố thông tin bằng ngôn ngữ quốc tế và mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối tại Việt Nam còn thấp.
Toàn thị trường mới chỉ có 16 DN niêm yết tự nguyện công bố thông tin bằng tiếng Anh (FPT, SSI, HSC, DGW…), nhưng cũng không thường xuyên. Về vướng mắc về quản lý ngoại hối cũng như việc có nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng margin (vay tiền đầu tư chứng khoán) hay không, UBCK cho biết sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm ra giải pháp đồng bộ hóa pháp luật giữa chứng khoán và ngân hàng.
Hàng ngày, nhà đầu tư đại chúng được cập nhật thông tin giá trị mua ròng, bán ròng của khối ngoại từ các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, những thông số này chỉ có tính thời điểm. Trong khi chờ nhà quản lý mở thêm không gian mới, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng sự hiện diện tại TTCK Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, có 2.600 tài khoản mới đến từ khối ngoại, trong đó có 150 nhà đầu tư tổ chức vào Việt Nam. Giá trị danh mục của khối ngoại hiện đạt trên 36 tỷ USD nằm trong 3.007 tài khoản của tổ chức và 22.164 tài khoản nhà đầu tư cá nhân nước ngoài (tính đến cuối tháng 4/2018) cho thấy, vốn ngoại đã xác lập vị thế khá vững trên TTCK Việt Nam.
Những nỗ lực mở thêm không gian mới gọi vốn chuyên nghiệp mà nhà quản lý và các DN đầu ngành đang thực hiện, hy vọng sẽ tạo nền tảng cho vốn ngoại chọn Việt Nam, góp sức tăng thanh khoản và chất lượng thị trường. Ở đâu có cơ hội, ở đó dòng tiền sẽ chảy.