Sẽ sửa nhiều quy định để doanh nghiệp "dễ thở" hơn

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Không chỉ điểm mặt nhiều quy định bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Chính phủ còn nêu phương án xử lý những quy định này để doanh nghiệp "dễ thở" hơn.

"Soi" các quy định kìm hãm sự phát triển

Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Chính phủ nhận định, hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế về chất lượng văn bản và hiệu quả thi hành. Một số lĩnh vực, nhất là liên quan đến quyền sử dụng đất, điều kiện đầu tư kinh doanh, thị trường vốn, xây dựng, nhà ở, quy hoạch còn vướng mắc, bất cập.

Báo cáo này tập trung chủ yếu vào kết quả phát hiện và phương án xử lý các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, Chính phủ cho biết.

Trong lĩnh vực về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ đã rà soát 411 văn bản (57 luật, 261 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 92 thông tư và thông tư liên tịch), phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Chẳng hạn, quy định “trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh” tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có hiệu lực ngày 1/01/2021) là chưa rõ ràng, cụ thể về các trường hợp người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong thực thi, gây khó khăn cho các chủ thể khi thành lập doanh nghiệp.

Phương án xử lý là sẽ quy định cụ thể các trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp của người đăng ký thành lập doanh nghiệp tại các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp.

Ví dụ khác, khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 quy định cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Khoản 7 Điều 80 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định: “Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh phải làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang địa điểm khác trong thời hạn quy định tại khoản này; quá thời hạn quy định tại khoản này thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư”.

Tuy nhiên, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng nhà tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ mới chỉ quy định việc phạt tiền đối với hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”, chưa có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả (buộc thực hiện việc chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng).

Phương án xử lý được nêu tại báo cáo là bổ sung quy định về biện pháp khắc phục đối với hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” tại Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định về việc phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc yêu cầu doanh nghiệp thay đổi trụ sở làm việc phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp.

Thống nhất pháp luật đất đai và đầu tư

Kết quả rà soát cũng chỉ ra các quy định không thống nhất về các khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm: Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Còn Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông” (khoản 17 Điều 3). Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 phân định quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phần, phần vốn góp chi phối của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 183), tuy nhiên, lại không có quy định thế nào cổ phần, phần vốn góp chi phối. Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định về “cổ phần, phần vốn góp chi phối” trong doanh nghiệp mà quy định xác định địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ (51%).

Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 đưa ra quy định “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2014 quy định “tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài”; Luật Đất đai năm 2013 quy định về “cổ phần, phần vốn góp chi phối” còn Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định về nội dung này. Việc quy định như tại các luật nêu trên có thể tạo ra cách hiểu khác nhau, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cho biết phương án xử lý sẽ là là sửa đổi quy định của Luật Đất đai năm 2013 để thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời có chính sách quản lý đất đai phù hợp.

Tin bài liên quan