Lãnh đạo Thành phố cùng đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhấn nút chính thức ra mắt Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh (ảnh: Trọng Tín)
Thông tin trên được đưa ra tại buổi ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh TP.HCM diễn ra vào sáng 11/2. Đây là mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý giáo dục trên cơ sở khai thác các tiện ích của Công nghệ thông tin từ hệ thống bản đồ GIS của Thành phố, các camera giám sát, các tiện ích xây dựng hệ thống tài nguyên phục vụ việc nghiên cứu, soạn giảng và học tập trực tuyến... Trụ sở của trung tâm được đặt tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết, việc xây dựng Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh TP.HCM nhằm thực hiện các giải pháp công nghệ và hướng dẫn triển khai đầu tư các hợp phần của đô thị thông minh tại các quận, huyện, sở ngành.
Mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh gồm có 8 hợp phần (ảnh: Trọng Tín)
Mô hình hướng đến việc đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với trung tâm điều hành đô thị thông minh của Thành phố, có quy chế vận hành, quản lý trên cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu được cập nhật, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và đảm bảo đầy đủ các yêu càu về an ninh, bảo mật.
Ông Sơn còn cho biết thêm, mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh gồm có 8 hợp phần. Đáng chú ý như hợp phần Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh; Quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh.
Quản lý lịch làm việc; Tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh; Hệ thống giám sát qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Cập nhật các thông tin mới nhất về ngành, tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập…
Đây là mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý giáo dục trên cơ sở khai thác các tiện ích của Công nghệ thông tin từ hệ thống bản đồ GIS của Thành phố, các camera giám sát (ảnh: Trọng Tín)
Ở giai đoạn triển khai thí điểm sẽ thực hiện tại hai quận gồm quận 1, quận 12 và 5 trường THPT gồm 2 trường THPT chuyên (Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa) và 3 trường theo mô hình tiên tiến hội nhập (Nguyễn Du, Nguyễn Hiền và Lê Quý Đôn).
Ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục Thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay, số lượng giáo viên của Thành phố không theo kịp số lượng học sinh, sinh viên, trong đó cứ 5 năm tăng thêm khoảng 300.000 học sinh. Để đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục cần thực hiện các giải pháp hiện đại hóa quản lý và đổi mới công nghệ giáo dục.
Người đứng đầu Thành phố cũng đề nghị sau khi triển khai thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh trong thời gian từ 6 - 8 tháng để rút kinh nghiệm, Thành phố cần chuẩn bị hồ sơ tổ chức đấu thầu, làm cơ sở triển khai lâu dài trong những năm tới.