Ông Đặng Quyết Tiến
Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, mới đây, Văn phòng Chính phủ lần đầu tiên công khai danh sách hơn 500 doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo ông, diễn biến mới này có tạo sức ép thúc doanh nghiệp lên sàn?
Để khắc phục tình trạng rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhiều năm, nhưng không đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, cũng như gây bức xúc cho các cổ đông, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp, bên cạnh đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp mới.
Bước đi đầu tiên là Bộ đã gửi công văn báo cáo Chính phủ về tình trạng này, đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý. Trên cơ sở báo cáo này, mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính công khai danh sách hơn 500 doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn.
Điều này có ý nghĩa, cơ quan quản lý bắt đầu “rút thẻ vàng” đối với các doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn, lẫn các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn.
Sau khi “bêu” tên, nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn, giải pháp tiếp theo là gì, thưa ông?
Vì việc lên sàn cần có ý kiến của cổ đông, nên cùng với theo dõi các doanh nghiệp có trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay thông qua phương án lên sàn hay không, nếu cổ đông thông qua, mà doanh nghiệp vẫn chây ỳ lên sàn, thì Bộ Tài chính sẽ đôn đốc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng các chế tài mới tại Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, để xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn.
Trong đó, mức phạt cao nhất sẽ được áp dụng từ 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.
Doanh nghiệp chậm lên sàn có nguyên nhân từ ban lãnh đạo công ty trì hoãn triển khai thủ tục lên sàn. Điển hình như trường hợp Tổng công ty Cơ điện xây dựng-CTCP, Ban điều hành doanh nghiệp này không triển khai các thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn, mặc dù đã có nhiều văn bản đôn đốc. Với những trường hợp này, hướng xử lý là gì, thưa ông?
Ngoài áp dụng chế tài xử phạt tiền như quy định tại Nghị định 145/2016, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính sẽ tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh truy xét trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp có thái độ chây ỳ, không tích cực triển khai các thủ tục đưa cổ phiếu lên niêm yết, đăng ký giao dịch theo các hướng: thuyên chuyển vị trí làm việc; bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ khi tổng kết công tác thi đua, khen thưởng cuối năm; hạ bậc lương và không loại trừ các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn…
Theo con số mà Bộ Tài chính công bố trước đây, lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chưa lên sàn là khoảng 700 công ty, vậy ngoài hơn 500 doanh nghiệp đã được công khai, số doanh nghiệp chưa lên sàn còn lại có bị “bêu” tên không, thưa ông?
Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, cập nhật số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn, để tới đây tiếp tục báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó công khai danh tính các doanh nghiệp chây ỳ, để người dân biết và giám sát, từ đó góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sớm tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn.