Doanh nghiệp vẫn kêu khó
Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2019, một câu chuyện từ thời thị trường chứng khoán khai mở vẫn được nhiều nhà đầu tư nêu ra là cách nào bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ một cách thực chất, giúp họ bớt chịu thân phận “thấp cổ bé họng”.
Tình trạng doanh nghiệp không đảm bảo đầy đủ các quyền của cổ đông thiểu số chậm thay đổi, khiến chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, vì đa phần trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp, mặc dù quy định pháp lý đã có.
Chẳng hạn, theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP, công ty đại chúng phải đáp ứng tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập. Quy định này có hiệu lực từ năm 2017, nhưng mùa chấm điểm doanh nghiệp niêm yết 2018 cho thấy, mới có 47 doanh nghiệp đạt yêu cầu, chiếm chưa tới 10% số doanh nghiệp niêm yết được đánh giá (xem đồ thị).
Cho rằng quy định trên là cần thiết, góp phần giúp Việt Nam tránh tụt hậu về chất lượng quản trị công ty so với các thị trường trong khu vực, nhưng tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE chia sẻ, đáp ứng đủ 1/3 thành viên HĐQT độc lập là rất khó với doanh nghiệp. Khó vì tìm nhân sự đảm đương vai trò này không dễ. Ngay cả khi tìm được, thì do tính chuyên nghiệp trong hoạt động của thành viên HĐQT độc lập còn nhiều hạn chế, nên doanh nghiệp e ngại bị phản biện, bị bớt quyền khi bổ sung nhân sự ngồi vào ghế thành viên HĐQT.
Đối với một số doanh nghiệp đã có thành viên HĐQT độc lập, thì trên thực tế hoạt động còn hình thức, chưa mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cổ đông, nên doanh nghiệp vẫn trì hoãn tuân thủ đầy đủ quy định. Tuy nhiên, nếu nhà quản lý gây sức ép, thì các doanh nghiệp sẽ thực hiện được, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, đối phó.
Chia sẻ với cái khó của các doanh nghiệp niêm yết, bà Trần Kim Dung, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quá trình áp dụng quy định công ty đại chúng phải đáp ứng tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là độc lập đang bộc lộ khó khăn, trong khi đối với ngân hàng chỉ phải đáp ứng có 1 thành viên HĐQT độc lập.
“Thực tế, trên thị trường còn thiếu nguồn nhân lực để đảm đương vị trí thành viên HĐQT độc lập, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuân thủ quy định về số lượng thành viên HĐQT độc lập. Đa số các công ty chúng tôi đi kiểm tra, họ kêu nhiều về việc khó đáp ứng quy định này”, bà Dung cho hay.
Số doanh nghiệp đạt quy định 1/3 thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Không còn bước lùi
Thực ra, quy định công ty đại chúng phải đáp ứng tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập đã được đưa ra cách đây 7 năm tại Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ năm 2012. Tuy nhiên, cho đến trước khi Nghị định 71/2017/NĐ-CP được ban hành, có nghĩa là trong suốt 5 năm tồn tại quy định này tại Thông tư 121/2012/TT-BTC, nhà quản lý dừng lại ở khuyến khích doanh nghiệp tự giác tuân thủ, chứ chưa áp dụng các chế tài xử lý. Nói cách khác, đến nay doanh nghiệp đã có 7 năm chuẩn bị.
Để hướng đến hệ thống quản trị tốt, việc tuân thủ quy định công ty đại chúng phải đáp ứng tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là độc lập tại Nghị định 71/2017NĐ-CP không còn dừng lại ở khuyến khích như trước, mà đã nâng lên mức buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Có nghĩa là doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử phạt. Đây là giải pháp để nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong cải thiện chất lượng quản trị nói chung, đáp ứng quy định về số lượng thành viên HĐQT độc lập nói riêng.
Liên quan đến chế tài xử phạt, tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã bổ sung chế tài phạt từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về cơ cấu thành viên HĐQT.