Thưa ông, Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã sau gần 4 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc quy định tỷ lệ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà HTX cung ứng cho thành viên. Những nội dung này sẽ được sửa theo hướng nào?
Theo quy định hiện hành, HTX có quyền cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải thành viên theo cam kết, nhưng không quá 32% tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp (gọi chung là nông nghiệp); không quá 50% đối với lĩnh vực phi nông nghiệp.
Khi xây dựng Luật Hợp tác xã năm 2012, cũng có nhiều ý kiến đề nghị quy định tỷ lệ này ngay trong luật. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này.
Xây dựng Nghị định 193/2013/NĐ-CP, chúng tôi đã điều tra, khảo sát và thấy rằng, tại các HTX nông nghiệp, việc cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên chiếm tới 68%, số còn lại (32%) cung ứng, tiêu thụ cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên. Còn đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, tỷ lệ này là 50/50. Chính vì vậy, Nghị định 193/2013/NĐ-CP mới quy định tỷ lệ 32/68 và 50/50.
Sau gần 4 năm Luật Hợp tác xã năm 2012 đi vào cuộc sống, đã có rất nhiều HTX phát triển, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà HTX cung ứng ngày càng nhiều, thành viên không thể sử dụng hết, cần phải bán ra bên ngoài, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng đa dạng hơn so với khả năng cung ứng của các thành viên. Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định này.
Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được nâng lên bao nhiêu, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và theo tinh thần chỉ đạo chung là đối với HTX nông nghiệp sẽ nâng tỷ lệ cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên là 51%; cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải là thành viên 49%. Đối với HTX phi nông nghiệp vẫn giữ nguyên tỷ lệ 50/50.
Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế với mục đích duy nhất là tạo mọi điều kiện để phát triển HTX. Nhưng trước mắt, theo tôi, tỷ lệ 49/51 đối với lĩnh vực nông nghiệp và 50/50 đối với lĩnh vực phi nông nghiệp là phù hợp.
Vậy tại sao không nâng tỷ lệ cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên lên cao hơn nữa?
Bản chất của HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, do các thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Nếu HTX chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên thì hoạt động chẳng khác gì doanh nghiệp, cần gì phải thành lập mô hình kinh tế tập thể nữa.
Quy định này không hạn chế sự phát triển của HTX, bởi theo quy định, khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn được quyền thành lập doanh nghiệp của HTX và doanh nghiệp này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Chúng tôi đã đi khảo sát ở Canada và tham khảo về quy định cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm của HTX ở nhiều nước khác nhau thì thấy người ta đều quy định tỷ lệ 50/50, không quy định là HTX nông nghiệp hay phi nông nghiệp.
Một trong những điểm được coi là bất hợp lý là việc khống chế một thành viên không được góp quá 20% vốn điều lệ của HTX. Điểm này có được sửa đổi không, thưa ông?
Đi khảo sát về HTX ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, người dân chỉ thực sự muốn tham gia HTX khi có một vài cá nhân nào đó có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, có quan hệ đứng ra thành lập HTX.
Vì người bỏ ra nhiều tiền chắc chắn họ có trách nhiệm hơn với HTX, họ phải nắm chắc thành công thì mới thành lập hoặc tham gia HTX và họ chính là chỗ dựa, là niềm tin để người dân tham gia HTX. Vì vậy, cần phải cho phép một thành viên được góp tỷ lệ vốn ở mức nào đó cao hơn so với quy định hiện nay.
Tuy có một số ý kiến như vậy, nhưng vấn đề này cần cân nhắc kỹ vì HTX là tổ chức đối nhân, nếu để một vài thành viên góp quá nhiều vốn, có thể dẫn đến nguy cơ chi phối HTX và HTX gặp rủi ro khi thành viên này rút khỏi HTX.
Hiện nay, các nước trên thế giới cũng khống chế tỷ lệ góp vốn của một thành viên vào HTX để phù hợp với bản chất của kinh tế tập thể, như ở Thái Lan, một thành viên chỉ được góp tối đa 20% vốn điều lệ của HTX.
Theo ông, khi sửa Luật Hợp tác xã năm 2012, tỷ lệ góp vốn của một thành viên vào HTX ở mức bao nhiêu là hợp lý?
Vấn đề này sẽ được nghiên cứu, xem xét kỹ trong thời gian tới, nếu thấy cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó có việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của thành viên vào HTX cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX. Vì vậy, nếu nâng tỷ lệ góp vốn lên quá cao thì các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho HTX trở thành ưu đãi, hỗ trợ cho cá nhân có tỷ lệ góp vốn cao vào HTX. Nếu tỷ lệ này mở rộng quá cao sẽ rất dễ bị lợi dụng, vì cá nhân sẽ thành lập HTX để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thay vì thành lập doanh nghiệp.