Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) nhấn mạnh, hiện tượng này nếu không được kịp thời ngăn chặn sẽ lan rộng, gây ra tình trạng hoạt động không lành mạnh cho khối CTCK nói riêng, thị trường nói chung. Ông Kỳ đồng quan điểm với đề xuất lập "danh sách đen" các nhân viên CTCK vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Dưới góc độ là tổ chức quy tụ các CTCK thành viên, VASB nhìn nhận vi phạm của nhân viên CTCK theo kiểu này ra sao?
Thông qua nguồn tin từ các CTCK hội viên, qua báo chí, qua các cơ quan pháp luật, qua NĐT…, VASB được biết hiện tượng nhân viên CTCK vi phạm đạo đức nghề nghiệp đang ngày càng phổ biến. Việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên CTCK giờ không chỉ thể hiện dưới góc độ vi phạm chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn thể hiện dưới hình thức nhân viên CTCK sau khi chuyển sang làm việc tại CTCK mới đã lôi kéo khách hàng tại CTCK cũ và thông tin không tốt về CTCK cũ. Vi phạm của các nhân viên CTCK thường xảy ra tại các CTCK chưa thể hiện rõ sự giám sát hoặc thiếu những điều khoản ràng buộc hay chưa phổ cập các điều khoản cấm. Khi bị phát hiện, nhân viên xin thôi việc và chuyển sang CTCK khác cùng với việc kéo theo khách hàng. VASB cho rằng, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm nhiều lần.
Theo ông, đâu là căn cứ để đưa ra hình thức xử lý đối với các đối tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp kể trên?
Đã đến lúc các CTCK cần có sự liên kết, thông báo cho nhau biết hoặc thông qua Hiệp hội để cập nhật tin tức, ngăn ngừa tái phạm. Cũng giống như đề xuất lập "danh sách đen" các NĐT, VASB đồng quan điểm với đề xuất lập "danh sách đen" các nhân viên CTCK vi phạm đạo đức nghề nghiệp nói chung, để hạn chế tình trạng nhảy việc của nhân viên CTCK vi phạm.
Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp do VASB soạn thảo có giá trị gì trong trường hợp này, thưa ông?
Thực tế, đã có khá nhiều trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán. Đây là hồi chuông cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên đối với các CTCK. VASB đang quy chuẩn Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp để hướng tới tổ chức học cho các nhân viên của các CTCK và thi sát hạch, cấp chứng chỉ đạo đức nghề nghiệp, tiến tới chứng nhận cho các công ty đạt tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Có quan điểm cho rằng, việc nhân viên CTCK chỉ lôi kéo khách hàng từ CTCK cũ sang chưa chắc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà đó chỉ là một hành vi bình thường trong kinh doanh. VASB nghĩ sao về quan điểm này?
Trong Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của VASB đã quy định rất rõ về tính trung thực, an toàn và cẩn trọng của nhân viên CTCK: "Phải hành động vì lợi ích khách hàng, phải đặt lợi ích của khách hàng trên lợi ích của người chủ mình và của bản thân mình". Soi vào đó sẽ thấy ngay hành động lôi kéo khách hàng từ công ty cũ chuyển sang công ty mới có đúng là đặt quyền lợi của khách hàng lên trên, hay chỉ vì mục đích của bản thân thân, hay vì lợi ích cho công ty mới? Như vậy, việc nhân viên thông tin không tốt về CTCK cũ liệu có phải là cạnh tranh lành mạnh trên thương trường?
Cũng có quan điểm cho rằng, để hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, khi nhân viên chuyển từ nơi khác đến, CTCK mới nên tham khảo ý kiến của CTCK cũ về nhân viên đó. Tuy nhiên, khi nhân viên chuyển qua nơi khác thì CTCK cũ lại nói xấu nhân viên đó với CTCK mới. Đó có phải là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp không, thưa ông?
VASB cũng khuyến nghị các CTCK đề cao đạo đức nghề nghiệp khi tuyển dụng nhân sự. Tất nhiên, trong trường hợp này, cần xem xét sự việc từ nhiều khía cạnh, nhiều góc độ để có quan điểm đánh giá khách quan xem đó là vi phạm hay không.
Được biết, VASB vừa được kiện toàn bộ máy hoạt động. VASB kỳ vọng gì ở hoạt động của mình trong thời gian tới?
VASB vừa tổ chức Đại hội và kiện toàn đội ngũ nhân sự. Các ủy viên Ban chấp hành đã phát huy năng lực và dành nhiều thời gian để Hiệp hội ngày càng vững mạnh, trở thành cầu nối tích cực hơn cho các hội viên.