Sẽ ký hợp đồng 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong tháng 3/2021

0:00 / 0:00
0:00
Công tác đàm phán hợp đồng 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang diễn ra đúng kế hoạch.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo số 76/BC – CP về việc triển khai thực hiện chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, đến tháng 1/2021, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Trên cơ sở kết quả trúng thầu, các Nhà đầu tư đã thành lập Doanh nghiệp dự án và đang làm việc với các ngân hàng về phương án huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai thực hiện.

Hiện nay, các cơ quan của Bộ GTVT đang tích cực đàm phán với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án để hoàn chỉnh hợp đồng theo đúng quy định pháp luật. Dự kiến ký kết hợp đồng dự án trong tháng 3/2021.

Theo quy định của Hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng, Nhà đầu tư có thời hạn tối đa 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) để huy động nguồn vốn tín dụng; trường hợp Nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai thực hiện, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Đối với 2 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, Báo cáo số 76 cho biết là ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 4/2/2021 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 1/3/2021 triển khai Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, từ cuối năm 2020, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị các công việc cần thiết như lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán; xây dựng hồ sơ mời thầu xây lắp,...để ngay sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư có thể triển khai ngay các thủ tục tiếp theo.

Hiện nay, Bộ GTVT đang gấp rút triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật; phấn đấu khởi công gói thầu đầu tiên trong quý II/2021, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023 theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do 2 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công, khi xây dựng kế hoạch vốn năm 2021 chưa tính đến số vốn để chuyển đổi hình thức đầu tư công.

Về nội dung này, Chính phủ cho biết là sẽ điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý; tập trung, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng nguyên tắc quy định tại Luật Đầu tư công, bảo đảm hoàn thành các dự án theo tiến độ theo đúng yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tính đến đầu tháng 3/2021, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã giải ngân được 19.032,28/32.830,549 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch (năm 2018 giải ngân 142,141/142,141 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; năm 2019 giải ngân 6.856,040/7.670,306 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch (còn lại 814,266 tỷ đồng kéo dài sang năm 2020); năm 2020 giải ngân 10.751,342/10.794,368 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch).

Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục, thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện dự án theo các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án.

Tin bài liên quan