Tuy nhiên, đến nay, cũng chưa phát hiện được trường hợp nào vượt trần lãi suất trên địa bàn. Nhưng nếu huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố vẫn tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng tín dụng, thì cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng là khó tránh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh
Xin ông cho biết về tình hình thanh khoản của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM hiện nay?
Thanh khoản của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM hiện khá dồi dào. Mặc dù tín dụng trên địa bàn đã cải thiện tốt trong 8 tháng đầu năm, ước tính tăng trưởng hơn 11%, nhưng nguồn tiền huy động của các nhà băng vẫn tăng trưởng tốt. Vì thế, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ ở một số ngân hàng chỉ mang tính cục bộ và nhất thời tại các nhà băng nhỏ.
Thực tế hiện nay, một số ngân hàng thừa tiền, nhưng chưa thể giảm lãi suất huy động, vì muốn chuẩn bị thanh khoản tốt cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên có thể gia tăng thêm khuyến mãi. Tuy nhiên, các nhà băng cũng cần thận trọng khi chi phí đội lên sẽ khó giảm lãi suất đầu ra, nhu cầu tín dụng từ đó cũng sẽ có phần hạn chế, tác động đến kinh doanh.
Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng TP. HCM (Cục II) vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về trần lãi suất huy động. Liệu có hiện tượng “xé” rào lãi suất xảy ra trên địa bàn, thưa ông?
Thời gian qua, dư luận có nói đến việc xuất hiện ngân hàng vượt rào lãi suất đối với kỳ hạn tiết kiệm dưới 6 tháng nên Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi cũng chưa phát hiện được trường hợp nào vượt trần lãi suất trên địa bàn. Các ngân hàng chỉ đẩy mạnh khuyến mãi. Nhưng quả thực, nếu huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố vẫn tăng trưởng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng thì cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng là khó tránh. Cụ thể, tại TP. HCM, 8 tháng đầu năm, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng 9%, trong khi cho vay ước tăng khoảng 11%. Trước đó, tính đến cuối tháng 7, huy động vốn của các ngân hàng cũng thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay về tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng trên địa bàn không đồng đều giữa các nhà băng. Trong đó, có ngân hàng tăng cao nên cần hút tiết kiệm để cho vay, song ngược lại một số nhà băng vẫn tăng trưởng tín dụng âm trong 8 tháng, nhưng cũng không dám hạ lãi suất huy động. Một phần vì muốn giữ thị phần tiết kiệm, mặt khác muốn đáp ứng tốt cầu vốn cuối năm được dự báo tăng trong mùa kinh doanh cao điểm ở quý IV/2016.
Nói như vậy có nghĩa là ở một số ngân hàng hiện nay tiền thừa, nhưng chưa thể giảm lãi suất, thưa ông?
Xét về toàn cục thì tiền không thừa, nhưng tiền của một số tổ chức tín dụng dự trữ thanh khoản bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện hành 8% trên tổng huy động (để đảm bảo tỷ lệ thanh khoản theo quy định). Các khoản này thường đưa vào thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), nhưng hiện nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng trên thị trường 2 không nhiều, đó cũng là lý do vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm trong thời gian qua. Đây cũng sẽ là điều kiện sẽ tác động tích cực lên lãi suất huy động vốn ở thị trường 1 và từ đó các tổ chức tín dụng có cơ sở để điều tiết giảm dần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, điều này chưa thể thực hiện được trong một sớm một chiều.
Khả năng tín dụng sẽ tăng mạnh trong quý còn lại của năm nay, thưa ông?
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM 8 tháng đầu năm tốt, song tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không đồng đều, trong đó có ngân hàng tăng trưởng âm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm nay ở mức 18 - 20% thì dư địa còn lại để tăng trưởng dư nợ trong quý còn lại của năm rất nhiều. Thông thường, quý IV hàng năm, nhu cầu vốn của khách hàng luôn cao hơn các quý trong năm, bởi đây là giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp vào mùa cao điểm.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ấm dần lên, nhất là ở phân khúc nhà ở có mức giá trung bình đang thu hút cá nhân vay mua nhà. Đó cũng là lý do để các ngân hàng tăng huy động, chuẩn bị tốt nguồn cung đáp ứng cầu. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, các ngân hàng quy mô nhỏ cũng cần thận trọng trong việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí tăng, trong khi lãi suất cho vay ra khó có thể tăng theo trong bối cảnh hiện nay, ngược lại cần nỗ lực giảm.