Sẽ không để dồn các đợt IPO vào cùng một thời điểm

Sẽ không để dồn các đợt IPO vào cùng một thời điểm

(ĐTCK) Để gia tăng sức hấp dẫn cho các phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, qua đó thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế giải quyết các bất cập hiện tại, để gắn cổ phần hóa chặt hơn với niêm yết….

Thông tin trên được ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết tại Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên Sở GDCK, do UBCK, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Sở GDCK Hà Nội phối hợp tổ chức sáng nay (9/10), tại Hà Nội.

Cũng theo ông Hải, thời gian qua, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tạo nguồn hàng hóa có chất lượng và chủ lực cho TTCK. Ở chiều ngược lại, TTCK đã đóng góp tích cực cho thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung, cổ phần hóa nói riêng.

Để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014-2015, cần giải quyết các hạn chế đang bộc lộ: tỷ lệ cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) thành công của nhiều doanh nghiệp đạt thấp, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia các phiên IPO…

“Một trong những giải pháp quan trọng mà UBCK đang triển khai để giải quyết tình trạng trên là xây dựng cơ chế gắn cổ phần hóa chặt hơn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK… Quy chế phối hợp đấu giá sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn, để tránh diễn ra quá nhiều đợt đấu giá tại cùng một thời điểm, dẫn đến cung hàng hóa tăng cao, khiến IPO khó thành công…”, ông Hải nói.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, có hai điều cơ quan quản ký mong muốn được nghe từ phía đại diện các doanh nghiệp Hội nghị này.

Thứ nhất, với những cơ chế, chính sách hiện tại, thì các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn cổ phần hóa, IPO đang hiểu và thực hiện như thế nào. Trên cơ sở này, cơ quản lý nắm bắt được các doanh nghiệp đang áp dụng đã đúng quy định hay chưa để có hướng tháo gỡ.

Thứ hai, từ thực tiễn triển khai cổ phần hóa, cơ quan quản lý mong đợi các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn như: CTCK, kiểm toán… đưa ra những vướng mắc đang gặp phải, đồng thời đề nghị hướng tháo gỡ, để cơ quan quản lý xử lý trong quá trình hoàn thiện chính sach thời gian tới.

Tin bài liên quan