Ông Ngô Trung Dũng

Ông Ngô Trung Dũng

Sẽ khó đáp ứng quy định về actuary trước hạn cuối cùng

(ĐTCK) Theo Thông tư 194, kể từ ngày 1/1/2016, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán (actuary) với tiêu chuẩn cao hơn so với quy định trước đây. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Trước khi Thông tư 194 chính thức được ban hành, nỗi lo thiếu hụt actuary đủ tiêu chuẩn đã được đặt ra đối với các DNBH phi nhân thọ Việt Nam. Nỗi lo này càng lớn dần khi thời hạn 1/1/2016 đang đến gần. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Vấn đề thiếu hụt actuary đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư 194 là hiện hữu đối với các DNBH phi nhân thọ. Thông tư 194 cho phép 3 hình thức sử dụng actuary: tuyển dụng actuary; thuê dịch vụ ngoài của các tổ chức cung cấp dịch vụ actuary; thuê hoặc dùng actuary của công ty mẹ hoặc công ty trong cùng tập đoàn của DNBH.

Đối với các DNBH phi nhân thọ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có thể không gặp vấn đề vì có sự hỗ trợ của công ty mẹ nước ngoài. Còn với các DNBH phi nhân thọ Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn.

Theo tôi được biết, trong các DNBH phi nhân thọ Việt Nam, hiện mới chỉ có 1 DNBH có 1 actuary có bằng master về khoa học actuary & tài chính của Viện Khoa học tài chính & bảo hiểm (ISFA) Lyon - Pháp và 1 chứng chỉ của Viện Actuary Nhật Bản cấp. Nếu chiểu theo đúng quy định của Thông tư 194 thì cũng chưa đạt tiêu chuẩn. Như vậy, 2 trong 3 phương án trên là không khả thi vì không có người phù hợp để tuyển dụng, mà thuê dịch vụ ngoài thì hiện tại ở Việt Nam chưa có tổ chức nào cung cấp dịch vụ này. 

Vậy trước mắt các DNBH này phải làm thế nào, thưa ông?

Một giải pháp trong ngắn hạn cho các DNBH Việt Nam là tìm kiếm tuyển dụng actuary đủ tiêu chuẩn từ các nước Đông Nam Á sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào đầu năm 2016 với sự dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng.

Tuy nhiên, việc này cũng khó vì thời điểm dịch chuyển lao động tự do trùng với thời điểm quy định về chuẩn actuary có hiệu lực và không phải cứ muốn là tuyển dụng được ngay. Ngoài ra, các nước ASEAN khác cũng trong tình trạng thiếu hụt actuary (ngoại trừ Singapore và Philippines).

Vì thế, nhiều khả năng sẽ có những DNBH không đáp ứng được quy định đúng thời hạn. Trong trường hợp này, có thể DNBH và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) phải xem xét phương án đề nghị cơ quan quản lý cho phép lùi thời hạn áp dụng để đảm bảo các DNBH thực hiện đúng quy định của Thông tư.

Một điểm nữa cũng cần làm rõ là cách hiểu về quy định tối thiểu 2 chứng chỉ tính toán được cấp bởi các Hội Actuary Anh, Scotland, Hoa Kỳ, Úc, Canada (tại mục 1.b Điều 1 Thông tư 194).

Thông thường, các hội, viện actuary sẽ cấp thẻ hội viên các cấp độ (Associate, Fellow…) khi học viên học qua một số học phần theo quy định, chứ không phải cấp chứng nhận cho từng học phần. Còn nếu có thể hiểu những giấy chứng nhận tham dự một khóa học, hay hội thảo một vài ngày do các hội, viện actuary tổ chức là những chứng chỉ đạt yêu cầu, thì các DNBH phi nhân thọ nên xem xét cử các cán bộ hiện đang làm công việc tính toán dự phòng và khả năng thanh toán tham dự các khóa ngắn ngày để có chứng chỉ. 

Còn về lâu dài thì sao, thưa ông?

Về dài hạn, cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này. Trước tiên, cần có sự vận động để thành lập Hội Actuary, với các thành viên là các actuary hiện có của các DNBH nhân thọ và phi nhân thọ.

Hội Actuary sẽ xây dựng định hướng phát triển lực lượng nhân sự actuary Việt Nam, trong đó có việc liên kết phối hợp với các tổ chức đào tạo và chứng nhận actuary ở nước ngoài có uy tín và các trường đại học trong nước (những trường có khoa toán) để xây dựng chương trình đào tạo, đảm bảo học viên sau khi học có được những chứng chỉ phù hợp. 

Về phía AVI, Hiệp hội sẽ làm gì để hỗ trợ các DNBH trong việc phát triển nguồn nhân lực actuary?

Về phía AVI, chúng tôi luôn ý thức cùng với cơ quan quản lý bảo hiểm hợp tác chặt chẽ trong giai đoạn đầu hình thành Hội actuary. Ở góc độ hợp tác ASEAN, tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC) diễn ra vào tháng 12/2014 tại Brunei, đại diện AVI đã đề nghị đưa vào chương trình hoạt động năm 2015 nội dung về xây dựng đội ngũ actuary và đã được AIC chấp thuận.

Ngày 20/5/2015, AIC đã tổ chức phiên họp đầu tiên Hội actuary của các nước ASEAN để bàn về kế hoạch phát triển actuary của ASEAN cũng như tiêu chí về chuẩn actuary của ASEAN.

AVI đã đề cử actuary của AIA (đại diện khối nhân thọ) và Bảo hiểm Bảo Việt (đại diện khối phi nhân thọ) tham dự phiên họp trên. Hy vọng từ đây sẽ có thêm nhiều thông tin về khả năng hợp tác trong ASEAN về đào tạo phát triển nhân lực actuary ASEAN.

Tin bài liên quan