Gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ACMF, UBCK đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến "Tài chính bền vững” là chủ đề xuyên suốt của năm 2020. Đồng thời, đặt ra 5 mục tiêu mới cho nhiệm kỳ 2021-2025.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN.
Kết quả đầu ra của sáng kiến là “Lộ trình Phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10/2020 với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 5 năm tới. Brunei sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN năm 2021.
Diễn đàn thị trường vốn ASEAN tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 9/12 |
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK chia sẻ, năm 2020 là năm rất đặc biệt, đại dịch làm ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thay đổi các dòng chảy vốn trên thế giới. Trong bối cảnh đó, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý về thị trường vốn trong ASEAN được chú trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của ASEAN.
“Trong năm 2020, các nhóm kỹ thuật của ACMF đã hoạt động tích cực với các kết quả cụ thể. Lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN nghe báo cáo và hoan nghênh kết quả trong lĩnh vực tài chính bền vững, sáng kiến quỹ đầu tư tập thể, sáng kiến thẻ điểm quản trị công ty ASEAN và hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp trong ASEAN”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn sắp tới 2021 - 2025, ông Dũng cho biết, Diễn đàn thị trường vốn ASEAN sẽ tập trung vào 5 ưu tiên chính: Thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin trên các TTCK khu vực; thúc đẩy hài hòa hóa quy định trong các thị trường vốn ASEAN; tăng cường xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý thị trường; tăng cường trao đổi nhận thức về thị trường vốn và phát triển thị trường vốn; tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các thị trường ASEAN để hướng đến mục tiêu liên kết toàn diện.
“Trên cơ sở 5 mục tiêu trên, năm 2021, các nước sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và cùng trình lên Hội nghị ACMF thứ 34 do Brunei chủ trì, để làm “kim chỉ nam” trong hoạt động chung của các thị trường vốn khu vực 5 năm tới”, ông Dũng nói.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, UBCK cho biết, ngày 10/12, Việt Nam tổ chức công bố kết quả thẻ điểm quản trị công ty của Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến nâng cao chất lượng quản trị, hướng đến phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ ASEAN, trình độ phát triển là khác nhau, có nước phát triển, có nước kém phát triển. Chuẩn mực khác nhau, việc xây dựng các chuẩn mực chung cho một khối là tương đối thách thức. Đó là lý do Diễn đàn lần này chọn chủ đề là "chủ động thích ứng".
Khi thị trường vốn bị tác động bởi đại dịch Covid, UBCK có nhiều giải pháp thích ứng để thị trường hoạt động trong trạng thái bình thường mới. UBCK chỉ đạo các sở giao dịch và các công ty chứng khoán chuyển 100% hoạt động giao dịch sang Online, tránh tối đa tiếp xúc với nhà đầu tư.
Chủ tịch UBCK cũng cho biết thêm, vị thế của TTCK Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một nhân tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường. Ông Dũng khẳng định, câu chuyện nâng hạng TTCK luôn được UBCK quan tâm thực hiện và sẽ hoàn thành trước năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh sự tăng trưởng về điểm số và thanh khoản, ông Vũ Chí Dũng còn chỉ ra một trong những điểm sáng trên TTCK Việt Nam năm 2020, như việc lần đầu tiên có doanh nghiệp niêm yết xếp vào Top 100 doanh nghiệp có điểm quản trị công ty tốt nhất ASEAN là Vinamilk.