Trả lời báo chí liên quan đến nội dung giám sát của cộng đồng đối với công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi…, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ban soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) sẽ thiết kế quy định này để vừa tạo được sự đồng thuận của người dân ở cơ sở, nhưng đồng thời không được cản trở tốc độ và tiến độ đầu tư của công trình, dự án dưới địa phương.
“Hy vọng, bản Dự thảo Luật Đầu tư công sau khi chỉnh lý, bổ sung được trình Quốc hội thông qua vào tháng 6 tới sẽ tìm ra lời
giải hợp lý nhất”, ông Kiên tin tưởng.
Theo Dự thảo Luật Đầu tư công mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện sau khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các địa phương trên cả nước, các chương trình, dự án đầu tư công sẽ chịu sự giám sát của cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp sẽ chủ trì tổ chức thực hiện việc giám sát cộng đồng.
Cụ thể, MTTQ là đầu mối tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định cư lớn và có tác động lớn đến môi trường.
Tổ chức chính trị - xã hội này chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, chỉ giới đất đai, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư cũng như tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, MTTQ còn thay mặt cộng đồng thực hiện giám sát nhằm phát hiện ra những việc làm xâm hại đến lợi ích cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình đầu tư và vận hành dự án; phát hiện việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.
Với quy định này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu hình dung, bất kể dự án đầu tư công nào, không kể quy mô... đều có sự tham gia của MTTQ Việt Nam các cấp. “Như vậy,có thể nói, MTTQ ở dưới địa phương có quyền tham gia mọi quy trình, thủ tục đầu tư công từ lập, thẩm định chủ trương đầu tư, kế hoạch đầu tư, báo cáo tiền khả thi… đến quá trình thi công công trình, dự án. Quy định này, nếu không được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn thì vô cùng phức tạp, gây khó khăn cho quá trình triển khai, đặc biệt là dự án, công trình ở dưới cấp xã”, ông Sửu nói. Song ông Sửu lo ngại rằng, ở cấp xã, những người tham gia MTTQ thường là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân về hưu… do đó, rất khó cho chủ đầu tư, đơn vị thi công khi triển khai công trình, dự án nếu không có quy định cụ thể về quy trình giám sát cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc Dự thảo Luật Đầu tư công mới nhất bổ sung thêm một chương (so với bản Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6) về theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình của tất cả các cấp, các ngành, sẽ bảo đảm cho các chương trình, dự án đầu tư công được triển khai theo đúng quy định của pháp luật. “Việc luật hóa công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra của tất cả các cấp, các ngành sẽ bảo đảm quản lý và sử dụng vốn đầu tư công đúng mục đích và hiệu quả trong từng khâu”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Từng có thực tế ở địa phương với cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Đức Kiên hiểu rất rõ hiệu quả của giám sát cộng động với vai trò “đầu tàu” (là MTTQ) trong đầu tư công. Ông cho rằng, giám sát cộng đồng khiến cho việc đầu tư công minh bạch hơn, chống được đầu tư dàn trải, giảm được lãng phí, thất thoát. Nhưng nếu giám sát cộng đồng mà quy định không chặt chẽ sẽ cản trở, làm chậm tiến độ đầu tư, không đưa công trình, dự án vào khai thác đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, dẫn tới lãng phí vì chi phí đầu tư bị đội lên, làm giảm hiệu quả đầu tư.
“Chúng tôi cùng với Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát nội dung này với tinh thần điều khoản nào cản trở tiến trình đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư công, giảm tính công khai, minh bạch… sẽ sửa đổi cho phù hợp”, ông Kiên chia sẻ.