Bắt tay ngầm tạo giá: 2 loại nhà tạo lập
Nhu cầu tạo thanh khoản, thu hút dòng vốn vào cổ phiếu luôn hiện hữu nên trên thị trường liên tục ghi nhận dấu hiệu của những nhà tạo lập “ngầm”.
Thứ nhất là những “đội lái” với hoạt động tạo thanh khoản, tạo biến động giá nhằm gom cổ phiếu và thu hút nhà đầu tư tham gia, sau đó “bơm tin”, đẩy giá, thoát hàng và thu lợi nhuận. Đây được cho là nguyên nhân khiến có những cổ phiếu bỗng dưng được giao dịch đột biến, giá tăng thẳng đứng trong nhiều phiên liên tiếp, sau đó rơi tự do.
Nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động của “đội lái” cũng có mặt tích cực. Đó là tạo ra không khí giao dịch sôi động, những “con sóng” mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư, góp phần cải thiện thanh khoản cổ phiếu. Theo đó, “đội lái” có thể xem là những nhà tạo lập cho cổ phiếu trong một giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, nhà tạo lập này hoạt động phi chính thức, vì lợi ích của bản thân nên đến thời điểm nhất định họ sẽ thoái lui và trút toàn bộ rủi ro cho nhà đầu tư đến sau, gây thiệt hại, mất niềm tin cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự minh bạch, phát triển bền vững của thị trường.
Những nhà tạo lập ngầm thứ hai là nhóm tổ chức, cá nhân được chính doanh nghiệp lựa chọn. Đây có thể là bộ phận đầu tư của doanh nghiệp niêm yết, những người có khả năng thực hiện các giao dịch điều tiết cổ phiếu, nhưng phổ biến hơn là các công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh, bởi họ có các yếu tố hỗ trợ như vốn, khả năng kiểm soát giao dịch, đội ngũ phân tích, hệ thống công nghệ thông tin.
Theo đó, những nhà tạo lập này sẽ được cung cấp một lượng tiền và cổ phiếu nhất định để “tạo kho”, sau đó thực hiện mua bán điều tiết nhằm tránh cổ phiếu rơi vào tình trạng chết thanh khoản, hoặc duy trì giá cổ phiếu không tăng giảm bất thường theo các thỏa thuận “ngầm” giữa lãnh đạo hai bên.
Giải bài toán “chết” thanh khoản cho hơn 50% số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch hiện nay, mang lại bước phát triển mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhu cầu giữ giá, tạo thanh khoản cho cổ phiếu như hỗ trợ cho các đợt phát hành huy động vốn, hay tránh cho khoản vay cầm cố cổ phiếu của ban lãnh đạo tại các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại rơi vào trạng thái bị xử lý.
Đơn cử, theo các quy định hiện hành, giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ liên quan ban lãnh đạo của tổ chức niêm yết luôn phải công bố thông tin, nhưng các giao dịch cầm cố chứng khoán thì không phải công bố.
Đây là những người nắm giữ cổ phiếu lớn, giao dịch vay nợ có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Khi xảy ra tình trạng giá cổ phiếu giảm bất thường, khiến tài khoản vượt ngưỡng xử lý, số tiền bổ sung ký quỹ rất lớn, nếu không bổ sung kịp thời sẽ bị bán tự động ồ ạt. Hệ quả, không chỉ thị giá cổ phiếu, tên tuổi của ban lãnh đạo/doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà còn tác động đến dòng tiền, tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bán giải chấp cổ phiếu trong những đợt giảm giá của thị trường chứng khoán. Để tránh tình trạng như vậy, nhu cầu điều tiết giá, thanh khoản cổ phiếu khỏi những biến động bất thường xuất hiện như một lẽ tất nhiên.
Có cầu ắt có cung, nhóm khách hàng này được các công ty chứng khoán đón nhận và trở thành các khách “VIP”, việc phục vụ tuy không dễ nhưng lợi ích thu lại không nhỏ, mức phí thu được có thể bằng hàng trăm nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mang lại, quan trọng hơn là hỗ trợ trong cuộc đua cạnh tranh thị phần khốc liệt.
Thậm chí, khách VIP còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt với nhiều ưu đãi như hoàn phí giao dịch, tỷ lệ vay giao dịch ký quỹ (margin) cao, lãi vay thấp.
Các thỏa thuận giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công ty chứng khoán nêu trên không có văn bản pháp lý điều tiết, tham chiếu, dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
Kỳ vọng quy chế thành viên tạo lập thị trường
Quy chế thành viên tạo lập thị trường với các cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ ETF niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017.
Quy chế này được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động tạo lập “ngầm” cho cổ phiếu vào khuôn khổ, có quản lý, giám sát, tăng tính minh bạch của thị trường. Những “đội lái” sẽ chùn tay khi thấy cổ phiếu đó có nhà tạo lập đứng sau, nhất là khi việc sàng lọc, tách biệt khiến họ dễ rơi vào tầm ngắm của cơ quan quản lý.
Đối với các công ty chứng khoán, việc hợp thức hóa hoạt động tạo lập thị trường sẽ giúp những đơn vị đủ khả năng có thể chính thức giới thiệu và quảng bá năng lực, dịch vụ của mình, tạo ra một kênh hoạt động kinh doanh mới thu về lợi nhuận, gia tăng danh tiếng, thị phần mà không cần phải âm thầm như trước.
Tổ chức niêm yết/chuẩn bị niêm yết biết phải tìm đến đâu để giải bài toán điều tiết cho cổ phiếu khi có nhu cầu. Cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, quản lý, xác định đâu là hành vi thao túng, làm giá, ảnh hưởng tiêu cực, đâu là hoạt động tạo thanh khoản, tác động tích cực giúp thị trường phát triển.
Nhà đầu tư chính là những “ông chủ” của các doanh nghiệp, đóng vai trò quyết định doanh nghiệp có cần nhà tạo lập cho mình hay không, chi phí dành cho hoạt động tạo lập sẽ được hạch toán như thế nào
Quy chế thành viên tạo lập thị trường còn được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc hình thành nên hệ thống các nhà tạo lập, đóng vai trò kết nối cung cầu thông qua các lệnh chào giao dịch, giúp nhà đầu tư có thể bán hoặc mua chứng khoán trong trường hợp mất thanh khoản.
Qua đó, giải bài toán “chết” thanh khoản cho hơn 50% số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch hiện nay, mang lại bước phát triển mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát huy hiệu quả của niêm yết là huy động vốn, quảng bá hình ảnh, tìm cổ đông chiến lược xứng tầm cho mục tiêu phát triển dài hạn, cũng như thu hút thêm các dòng vốn đa dạng cho thị trường.
Một số băn khoăn
Hiện quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, quy mô giao dịch tại từng cổ phiếu còn nhỏ hơn, các quy định pháp lý, quản lý, giám sát chưa hoàn thiện khiến các đội lái hoạt động mạnh, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Giả sử trường hợp đội lái và nhà tạo lập giao dịch trên cùng một cổ phiếu, trong khi nhà tạo lập phải giao dịch theo các nguyên tắc nhất định được công bố thì đội lái tự do hành động, không khỏi dẫn đến những lo ngại vị thế của nhà tạo lập bị yếu thế, hoạt động của công ty chứng khoán có thể lỗ vì “tạo lập”.
Bên cạnh đó, tổ chức tạo lập phải ứng xử sao trong trường hợp cổ phiếu tăng trần/giảm sàn với các lệnh mua/bán khối lượng lớn… chưa được quy định cụ thể.
Sự ra đời của chủ thể nhà tạo lập thị trường tại Việt Nam là bước đi được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy sự sôi động của thị trường chứng khoán, mà quan trọng hơn là cơ chế minh bạch quan hệ “đỡ giá” ngầm giữa công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành, tách biệt với các hoạt động của đội lái, không còn cảnh “trắng đen lẫn lộn” và thực hiện nguyên tắc “xây dựng một thị trường công bằng, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro hệ thống” mà Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị cho các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán thành viên.
Tuy nhiên, để kỳ vọng trên sớm trở thành hiện thực, việc trước tiên mà cơ quan quản lý nên thực hiện là chia sẻ một cách rõ ràng, dễ hiểu nhất về vai trò, lợi ích, cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, quy định giao dịch cho nhà tạo lập thị trường không chỉ đối với khối công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, mà còn cả nhà đầu tư.
Bởi lẽ, nhà đầu tư chính là những “ông chủ” của các doanh nghiệp, đóng vai trò quyết định doanh nghiệp có cần nhà tạo lập cho mình hay không, chi phí dành cho hoạt động tạo lập sẽ được hạch toán như thế nào.
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp lý, giám sát, lắng nghe từ các chủ thể tham gia thị trường để các quy định gắn liền với thực tiễn, đảm bảo khung pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhưng vẫn tạo sự linh động, tránh gò bó, cứng nhắc.
Cần tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ, biểu phí rõ ràng để chào bán đến các doanh nghiệp song song với xây dựng quy trình hoạt động, hệ thống, nhân sự, quản lý rủi ro phù hợp.
Ông Nguyễn Việt Đức Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Các công ty chứng khoán đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ hoán đổi với danh mục ETF, vay chứng khoán cơ cấu, cũng như khả năng vay mượn cổ phiếu của nhà tạo lập thị trường với các cá nhân, tổ chức khác ngoài các quỹ ETF để phục vụ mục đích tạo lập.
Với các doanh nghiệp, sử dụng dịch vụ tạo lập thị trường mà không đi kèm với các hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), cung cấp thông tin về doanh nghiệp thì sẽ không hiệu quả.
Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chú trọng vào mức phí mà các công ty chứng khoán cung cấp để lựa chọn dịch vụ, bởi vì đây là một nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và các phần mềm xử lý, nghiệp vụ quản trị rủi ro cao cấp. Doanh nghiệp nên chú trọng vào việc duy nhất là tạo lập thanh khoản và để giá chứng khoán cho thị trường quyết định, nếu không rất dễ gây phản tác dụng đối với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Sản phẩm cấu trúc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường, các công ty chứng khoán sẽ phải đầu tư lớn về nhân sự, hệ thống phần mềm và chi phí vận hành có thể ở mức cao.
Đáng chú ý, nghiệp vụ tạo lập thị trường sẽ thực hiện trên tài khoản tự doanh, nếu thị trường không thuận lợi, công ty chứng khoán sẽ phải trích lập dự phòng và phát sinh lỗ trên tài khoản tự doanh. Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ phần lãi tự doanh có thể là rào cản lớn đối với hoạt động này.
Để thực hiện vai trò nhà tạo lập thị trường, các công ty chứng khoán cần chuẩn bị nguồn lực vốn lớn và nhân sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng quy trình quản trị rủi ro trong trường hợp giá cổ phiếu biến động mạnh, mất thanh khoản.
Ông Trương Hồ Hải Minh, Giám đốc Phát triển sản phẩm, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM)
Chu kỳ giao dịch T+2 đối với cổ phiếu và chu kỳ thanh toán tiền bán cổ phiếu là T+1 có thể khiến việc quản trị sổ sách của công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường gặp nhiều khó khăn. Công ty sẽ phải đứng trước tình huống cổ phiếu mua chưa về tài khoản để đặt lệnh bán tạo lập thị trường, hoặc tiền bán cổ phiếu chưa về để đặt lệnh mua tạo lập thị trường.
Một vấn đề khác là đối với những cổ phiếu có thị giá lớn, vấn đề phí giao dịch và thuế sẽ là rào cản lớn, làm phát sinh các chi phí liên quan trong mối quan hệ giữa tổ chức phát hành và công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tạo lập thị trường.
Cơ quan quản lý nên miễn giảm chi phí giao dịch, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tài khoản tự doanh phục vụ cho vai trò tạo lập thị trường. Cùng với đó, cho phép mở một tài khoản tạo lập thị trường riêng để trực tiếp hạch toán và có quy định quản lý riêng đối với nghiệp vụ này.